Mỹ phát hiện âm mưu của Hamas khi đồng ý để người nước ngoài rời Dải Gaza

Ban đầu, Hamas không cho phép bất cứ ai rời khỏi Dải Gaza, nhưng sau đó nói rằng người nước ngoài có thể rời đi với một điều kiện mà đằng sau đó là một âm mưu.

Chú thích ảnh
Người dân sơ tán khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah để vào Ai Cập, ngày 1/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ The Jerusalem Post của Israel hôm 4/11 dẫn phát biểu của một quan chức cấp cao Nhà Trắng cùng ngày cho biết việc sơ tán những người bị thương và công dân nước ngoài khỏi Gaza đã bị trì hoãn vì Hamas đã cố gắng đưa một số chiến binh bị thương của họ qua cửa khẩu Rafah tới Ai Cập để điều trị.

Theo quan chức này, một phần ba số người có tên trong danh sách mà Hamas đưa ra hóa ra là các tay súng Hamas.

Tờ New York Post của Mỹ cũng cho rằng việc Hamas cố gắng đưa các tay súng của họ bị thương ra khỏi Dải Gaza làm trì hoãn hoạt động xuất cảnh của các công dân nước ngoài, bao gồm cả người Mỹ.

Theo New York Post, một quan chức cấp cao Nhà Trắng đã tiết lộ với các phóng viên rằng, ban đầu, “Hamas không cho phép bất kỳ ai rời đi”, nhưng sau đó họ nói là “sẽ cho phép công dân nước ngoài rời đi, với điều kiện một số người Palestine bị thương cũng được phép rời đi”.

Tuy nhiên, khki Hamas cung cấp danh sách người Palestine bị thương, cơ quan chức năng phát hiện “khoảng 1/3 trong số đó là thành viên của Hamas”.

Đây là hành động “không thể chấp nhận được”, quan chức này nhấn mạnh và cho biết thêm hiện có khoảng 6.000 công dân nước ngoài bị mắc kẹt trong vùng chiến sự, trong đó có tới 500 công dân Mỹ, chủ yếu là người có hai quốc tịch.

Trước đó vào ngày 31/10, nghĩa là sau gần một tháng xung đột với nhiều cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp, Ai Cập, Phong trào Hamas và Israel đã được được thoả thuận cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài và nhóm thường dân bị thương rời Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập.

Theo các nguồn tin quen thuộc với cuộc đàm phán, Qatar, với sự hỗ trợ của Mỹ, là nhà môi giới chính của thỏa thuận nêu trên giữa Israel, Ai Cập và Hamas.

Sau khi đạt được thoả thuận, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ cảm ơn các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Qatar đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ để hỗ trợ các cuộc đàm phán và tạo điều kiện cho công dân rời Dải Gaza.

Trong số nhóm người nước ngoài đầu tiên rời Gaza đến Ai Cập qua cửa khẩu Rafah hôm 1/11, ngoài người Mỹ, còn có 31 công dân Áo, 20 công dân Australia và 10 công dân Nhật Bản cùng 8 thành viên trong gia đình.

Kể từ khi cuộc xung đột Israel – Hamas bùng phát vào ngày 7/10, theo Bộ Y tế Palestine, đến nay đã có gần 9.000 người Palestine thiệt mạng, trong khi phía chính quyền Israel cho biết thiệt hại về người của nước này là hơn 1.400 người, chủ yếu là dân thường.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine nhận hàng viện trợ của Liên hợp quốc trong bối cảnh xung đột leo thang tại Dải Gaza, ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với việc sơ tán người người ngoài và vấn đề con tin, các nước còn đặc biệt quan tâm tới tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo Israel hôm 3/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo.

Phát biểu với các phóng viên ở Tel Aviv, ông Blinken nhấn mạnh việc ngừng bắn nhân đạo sẽ giúp có thêm các đoàn viện trợ nhân đạo đến Gaza và giúp các nước theo đuổi mục tiêu giải phóng con tin.

Trước đó, vào ngày 2/11, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Rishi Sunak và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhất trí về việc cần tăng quy mô cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.

Hai bên cũng đồng ý cần phải khôi phục những nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận lâu dài giải quyết xung đột và tiến tới việc thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Thành Nam/Báo Tin tức
Thủ lĩnh Hezbollah tiết lộ mục tiêu can dự vào xung đột Israel-Hamas
Thủ lĩnh Hezbollah tiết lộ mục tiêu can dự vào xung đột Israel-Hamas

Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố cuộc chiến nhằm Israel sẽ “định hình lại tương lai”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN