Nga giải thích nguyên nhân khiến thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực

Một quan chức cấp cao của Nga cho biết giá lương thực đã tăng từ lâu trước khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Keystone 

Theo đài RT (Nga), ông Maksim Oreshkin, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay có thể do giá lương thực tăng vọt khi Washington và Brussels đưa ra một loạt chính sách sai lầm . Vị quan chức này nhấn mạnh chỉ riêng xung đột tại Ukraine không thể gây ra cuộc khủng hoảng quy mô lớn như vậy.

Chỉ số giá lương thực quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho thấy từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 60%. Sự gia tăng này phần lớn xảy ra trước tháng 2/2022 – thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong 4 năm từ năm 2016 đến năm 2020, chỉ số này tăng ít hơn 7 điểm, nhưng đã tăng tới 27 điểm (từ 98,1 lên 125,7) vào năm 2020-2021. Sau năm thứ 2của đại dịch COVID-19, chỉ số này đứng ở mức 141,1 điểm. Kể từ khi xung đột quân sự Nga -Ukraine nổ ra, chỉ số này đã tăng thêm 17 điểm.

Do đó, khủng hoảng tăng giá toàn cầu không phải chỉ do một nguyên nhân duy nhất. Theo ông Oreshkin, người từng giữ chức cựu Bộ trưởng phát triển kinh tế Nga nhiệm kỳ 2016-2020, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Đầu tiên, ông chỉ ra phản ứng thái quá của Mỹ đối với đại dịch COVID-19 là một trong những yếu tố chính khiến giá lương thực tăng vọt. Ông giải thích: “Kể từ tháng 2/2020, Mỹ đã tăng nguồn cung ngân sách lên gần 40%”. Thêm vào đó, Washington đã in 6 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế của nước này, khiến lạm phát xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến tăng giá thực phẩm, hàng hóa và năng lượng tăng vọt.

Ngoài ra, theo ông Oreshkin, việc châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng tái tạo, khai thác đáng kể nguồn tài nguyên, cùng các hợp đồng năng lượng ngắn hạn, cũng gây ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, khiến giá khí đốt tăng lên vào cuối năm 2021. Đây cũng là những yếu tố quan trọng.

Chú thích ảnh
Ảnh: Getty Images

Đầu tháng 5, Bộ trưởng Phát triển và Hợp tác Kinh tế Đức Svenja Schulze nói rằng tình trạng một số quốc gia chuyển đổi tập trung vào năng lượng xanh cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu lương thực. Theo bà Schulze, có tới 4% nhiên liệu sinh học ở Đức được sản xuất từ ​​thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Ông Oreshkin cho rằng điều này đã dẫn đến sản lượng phân bón giảm dần, ảnh hưởng đến lượng thu hoạch và đẩy giá lương thực lên cao.

Bên cạnh đó, làn sóng trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

“Rất nhiều lệnh trừng phạt đã được áp đặt nhằm vào các nhà sản xuất phân bón khác nhau ở Belarus và Nga. Trong đó có các lệnh trừng phạt đối với tàu biển và với các khoản thanh toán làm ngừng trệ hoạt động thương mại,” ông Oreshkin nói và cho biết thêm rằng Nga và Belarus đều muốn “xuất khẩu nhiều thực phẩm hơn”.

Theo cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin, tình trạng 20 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine đã trở thành chủ đề nóng trong giới chính trị và truyền thông phương Tây. Sản lượng này chiếm 2,5% sản lượng lúa mì toàn cầu. Ông tuyên bố rằng Nga đã sẵn sàng tìm giải pháp thay thế bằng cách xuất khẩu thêm 13 triệu tấn trong năm nay so với năm 2021.

Vị quan chức này cho biết tình trạng bất bình đẳng lương thực toàn cầu cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Ông nói: “Trên thực tế, thế giới đảm bảo đủ lương thực cho người dân. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển như Mỹ đã tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn những quốc gia khác”. Ông chỉ ra rằng người Mỹ tiêu thụ trung bình hơn 50% calo mỗi ngày, nhiều hơn so với tất cả người dân trên khắp thế giới. “Nếu các quốc gia như Mỹ tiêu thụ ít lương thực hơn, chúng ta sẽ cung cấp đủ thực phẩm cho tất cả mọi người”.

Hôm 3/6, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cũng nhấn mạnh những nỗ lực của phương Tây cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là “không đúng sự thật”. Ông cho rằng tình hình lương thực trên thế giới đã bắt đầu trở đầu trở nên tồi tệ hơn cách đây từ khoảng 5 - 7 năm. “Điều này là do nhiều nguyên nhân - những tính toán sai lầm về kinh tế vĩ mô, thu hoạch tồi tệ, dự thảo, thay đổi khí hậu, những quyết định của một số chính phủ đôi khi không hoàn toàn đúng đắn”, ông giải thích.

Ông cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo ông Medvedev, Nga sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc, nhưng nước này phải được miễn trừ mọi lệnh trừng phạt. Ông cũng thúc giục các Mỹ và các nước đồng minh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến phân bón.

“Để cải thiện vấn đề an ninh lương thực trên toàn thế giới, các quốc gia trên thế giới cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Từ đó, giá cả sẽ bắt đầu giảm”, ông Medvedev nói.

Trước đó, một số quan chức phương Tây cáo buộc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine, ngăn chặn việc sử dụng các cảng này để xuất khẩu ngũ cốc nhằm gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Cả Ukraine và Nga đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc và nông sản hàng đầu thế giới.

Về phần mình, Nga cho biết nước này đã làm mọi thứ trong khả năng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới hình thành. Moskva cũng cáo buộc phương Tây đang tạo ra những trở ngại trong cách giải quyết vấn đề, khi chính các nước đó đang ngăn cản tàu Nga vào cảng của họ. Điện Kremlin tuyên bố rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga là điều kiện tiên quyết để giải phóng xuất khẩu nông sản và giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hải Vân/Báo Tin tức
Sản lượng dầu của Nga tăng trong tháng 5
Sản lượng dầu của Nga tăng trong tháng 5

Báo Vedomosti của Nga dẫn một nguồn tin ngành dầu khí cho biết sản lượng dầu của Nga trong tháng 5 vừa qua tăng 5% so với tháng 4, lên 43,1 triệu tấn. Sản lượng này tương đương 10,19 triệu thùng/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN