Nga lên tiếng trước chỉ trích về quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc

Nga giải thích việc nước này đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine xuất phát từ hành động bất cẩn của Kiev đồng thời nhấn mạnh những chỉ trích mà phương Tây nói về quyết định của Nga là không chính đáng.

Chú thích ảnh
Tàu MV Brave Commander chở 30 tấn lúa mì của Ukraine cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022, trong hành trình cung cấp sản phẩm nông nghiệp này cho nước láng giềng Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh truyền hình RT, phát biểu trước báo giới ngày 30/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết: “Phản ứng của Washington đối với vụ tấn công khủng bố vào cảng Sevastopol là điều không thể chấp nhận được. Mỹ đã không lên án những hành động liều lĩnh của chính phủ Kiev”.

Trước đó, Nga tuyên bố ngừng tuân thủ thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian sau khi cáo buộc Kiev tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đang làm nhiệm vụ đảm bảo hành lang vận chuyển an toàn cho ngũ cốc xuất khẩu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án quyết định của Nga là tàn nhẫn và góp phần gây ra nạn đói. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho rằng Nga tạo cớ để rút khỏi thỏa thuận này.

Đại sứ Antonov lưu ý phương Tây hoàn toàn không để tâm đến những cáo buộc của Nga cho rằng vụ đánh bom tàu ​​Nga được tiến hành với sự tham gia của quân đội Anh. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Anh đã bác bỏ cáo buộc.

Nhà ngoại giao cấp cao Nga nhấn mạnh trong bối cảnh các cuộc tấn công và hành động khiêu khích nhằm vào tàu thương mại và tàu quân sự của Nga tham gia Sáng kiến ​​Biển Đen tiếp diễn, Moskva không thể tiếp tục hoạt động mà không đảm bảo các vấn đề an ninh.

Trước những chỉ trích cho rằng Nga đang gây ra nạn đói toàn cầu, Đại sứ Antonov khẳng định Moskva nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp nông sản cho các nước nghèo nhất.

“Theo chương trình xuất khẩu ngũ cốc, một nửa trong số các tàu vận chuyển đã đi tới các nước phát triển. Trong khi đó, các nước như Somalia, Ethiopia, Yemen, Sudan và Afghanistan chỉ nhận được khoảng 3% sản phẩm nông nghiệp”, ông Antonov chỉ ra.

Hồi tháng 7, Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận đột phá về ngũ cốc tại Istanbul với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Thỏa thuận này được đặt ra nhằm mục đích giải phóng việc xuất khẩu nông sản ùn ứ tại Nga và Ukraine do xung đột giữa hai bên qua Biển Đen.

Thỏa thuận được đánh giá là đóng vai trò rất quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất trên thế giới tránh khỏi nạn đói.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục cáo buộc các quốc gia phương Tây chiếm đoạt ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine, thay vì đưa ngũ cốc đến các nước đang phát triển. Moskva cũng cảnh báo họ có thể từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc nếu thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga không được thực hiện.

Sau khi Nga thông báo đình chỉ thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã liên lạc với nước này, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để biết các cuộc đàm phán với Nga có thể làm thay đổi quyết định trên hay không.

Người phát ngôn của LHQ nhấn mạnh điều mấu chốt là tất cả các bên kiềm chế không có bất kỳ hành động nào làm phương hại thỏa thuận, một nỗ lực nhân đạo cực kỳ quan trọng đang có tác động tích cực, rõ ràng tới khả năng tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên thế giới.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)
Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Nga quay trở lại với thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen
Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Nga quay trở lại với thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen

Ngày 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang kêu gọi Moskva quay trở lại với Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen để nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine, cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN