Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5: Để thiên nhiên nuôi sống và bảo vệ con người

Sự đa dạng sinh thái là tài sản toàn cầu có giá trị to lớn đối với con người trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Độ phong phú của tự nhiên giúp đảm bảo tính bền vững của đất đai, cung cấp nhiều nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật, đồng thời cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe con người.

Chú thích ảnh
Rạn san hô Great Barrier Reef ngày 2/10/2012. Ảnh: AFP/TTXVN

Với chủ đề "Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta", Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm nay của Liên hợp quốc (22/5) hướng tới thúc đẩy việc tìm hiểu các kiến thức và lan tỏa nhận thức về sự phụ thuộc của con người về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe trong tính đa dạng sinh thái toàn cầu. 

Hàng nghìn năm qua, đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng của con người, đó là tham gia quá trình sản xuất thực phẩm toàn cầu. Sự đa dạng sinh học giúp đảm bảo nguồn thực phẩm dồi dào từ thiên nhiên, gồm cả sinh vật trên cạn và dưới nước, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu cơ thể con người.

Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) Audrey Azoulay chỉ rõ bảo vệ đa dạng sinh học đồng nghĩa với việc bảo vệ con người bởi loài người phụ thuộc chủ yếu vào tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên. Theo giới khoa học, có 4 yếu tố mà cuộc sống của con người phụ thuộc vào thiên nhiên, gồm thực phẩm, thuốc và sức khỏe, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ trước thiên tai.

Nhà khoa học về môi trường Kai Chan của Đại học British Columbia cho biết hầu hết các thực phẩm đều đến từ thiên nhiên, do đó, mọi sự gia tăng về nhu cầu thực phẩm của con người, tình trạng ô nhiễm môi trường, sự thay đổi về lối sống... đều tác động đến mùa màng.

Báo cáo “Kết nối các ưu tiên toàn cầu - Đa dạng sinh học và sức khỏe con người” do Công ước về Đa dạng sinh học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hồi năm 2015 chỉ ra rằng, sự đa dạng về chủng loại, loài giống cũng như nguồn thực phẩm hoang dã và dược liệu là cơ sở cho chế độ ăn uống đa dạng, nguồn dinh dưỡng và sức khỏe tốt.

Trong khi đó, đối với sức khỏe con người, khoảng 70% thuốc để chống lại bệnh ung thư bắt nguồn từ thiên nhiên hoặc là những sản phẩm nhân tạo lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Bên cạnh đó, khoảng 4 tỷ người đang điều trị với các loại thuốc có nguồn gốc chủ yếu từ thiên nhiên. Mặt khác, những "lá phổi xanh" của thế giới có vai trò không hề nhỏ hỗ trợ con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nếu như cuộc sống, thực phẩm và sức khỏe của con người phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái, thì sự phong phú của tự nhiên có được bền vững hay không tùy thuộc vào cách sử dụng thông minh của con người. Các báo cáo mới đây của Ủy ban EAT-Lancet về thực phẩm, hành tinh và sức khỏe đã chỉ ra mối quan hệ giữa hệ thống thực phẩm và dinh dưỡng với đa dạng sinh học, theo đó nếu nhìn từ quan điểm hệ thống thực phẩm bền vững thì chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ và tăng cường sự thay đổi trong hệ thống thực phẩm, từ đó tạo ra những lợi ích cho đa dạng sinh học. Do vậy, mỗi con người có thể góp phần nhỏ trong nỗ lực lớn hướng tới việc nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, các nội dung về mối liên hệ giữa đa dạng sinh học, hệ sinh thái và việc cung cấp lợi ích đối với sức khỏe con người đã được đưa vào trong Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học giai đoạn 2011 – 2020, đồng thời trở thành chủ đề chính trong các chương trình nghị sự chung về phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Một khoảng rừng Amazon ở Brazil bị phá hủy do khai thác gỗ trái phép. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày càng nhiều những cảnh báo về mức độ xuống cấp nghiêm trọng của đa dạng sinh thái hiện nay với tác nhân chủ yếu là con người. Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, nạn khai thác rừng bừa bãi đã khiến ít nhất 7.900 km2 rừng Amazon biến mất trong giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018, tăng 13,7% so với cùng kỳ giai đoạn trước và tương đương 1,18 tỷ cây bị chặt phá.

Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đánh giá diện tích Amazon bị tàn phá tại Brazil trong 2 tháng đầu năm nay tương đương với 987.500 sân bóng đá. Tình trạng rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới này "chảy máu" gây mất cân bằng hệ sinh thái tại đây, đe dọa môi trường sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm và cản trở nỗ lực ngăn chặn sự tăng nhiệt toàn cầu.

Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng trong 100 năm qua, hơn 90% giống cây trồng đã biến mất, trong khi 50% số giống vật nuôi cũng không còn tồn tại. Ở tất cả những ngư trường chính trên thế giới, các loài thủy sản đang bị đánh bắt ở mức tới hạn và môi trường sống của nhiều loài không được đảm bảo để phát triển bền vững. Đáng lo ngại là chỉ trong 50 năm qua, các hệ sinh thái đã thay đổi với tốc độ nhanh chóng hơn bao giờ hết. Và hậu quả rõ ràng là khả năng cung cấp nguồn sống của hệ sinh thái và sự phục hồi của hệ sinh thái đã bị ảnh hưởng  khi tính đa dạng của tự nhiên bị phá vỡ.  

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, khai thác quá mức hệ sinh thái để đổi lấy tăng trưởng kinh tế và xã hội thịnh vượng cũng gây tác động không nhỏ đến thế giới tự nhiên và các loài sinh vật. Báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ LHQ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) đã cho thấy thực trạng báo động về sự phung phí tài nguyên thiên nhiên của con người. Theo đó, 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất có nguy cơ bị tuyệt chủng do hoạt động của con người.

IPBES xác định 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên gồm sự biến mất của môi trường tự nhiên; khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và các loài xâm lấn.  Ông Robert Watson, người đứng đầu nghiên cứu của IPBES,  khẳng định con người đang hủy hoại rất nhiều cơ sở của nền kinh tế, kế sinh nhai, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng sống trên toàn thế giới. 

Trong thông điệp nhân dịp này, Tổng Thư ký LHQ António Guterres một lần nữa khẳng định vai trò sống còn của đa dạng sinh học đối với việc nuôi sống và bảo vệ sức khỏe của con người, chỉ rõ quan hệ mật thiết giữa con người với tự nhiên, cùng những tác động tiêu cực của hệ sinh thái tự nhiên một khi bị xuống cấp, đối với cuộc sống con người. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh hơn lúc nào hết, tất cả, từ các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội đến cá nhân phải khẩn trương hành động để bảo vệ và quản lý một cách bền vững mạng lưới sự sống hết sức quan trọng và mong manh trên Trái Đất.

Trách nhiệm của con người, là hành động có kiểm soát hơn, cân bằng lợi ích giữa phát triển xã hội với bảo toàn hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng hợp lý "kho báu vô giá" của thiên nhiên để tránh được những hệ lụy khó lường từ việc đa dạng sinh thái biến mất.

Thanh Hương (TTXVN)
Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử
Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Nguyễn Văn Doanh vừa cho biết, Sở có đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (thuộc tỉnh Bắc Giang) giai đoạn 2021 - 2030. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN