Những thách thức với Nhật Bản nếu từ bỏ năng lượng Nga

Vào cuối tuần trước, Nhật Bản tuyên bố sẽ “nối gót” Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) cấm nhập khẩu than đá của Nga.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, phía bắc Tokyo. Ảnh: AP

Theo hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết giới chức sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn năng lượng thay thế một cách nhanh chóng, song ông không đưa ra lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc thay thế nhiên liệu của Nga là điều “nói dễ hơn làm” đối với một quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản.

Nhật Bản đã áp đặt những lệnh trừng phạt nào đối với Nga?

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Nhật Bản đã phối hợp với Mỹ và các quốc gia châu Âu đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ việc loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, Nhật Bản đã quyết định đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương và các tổ chức của Nga. Một số nhà tài phiệt Nga và các thành viên gia đình của họ cũng bị Nhật Bản đưa vào danh sách trừng phạt.

Cùng với G7, nền kinh tế thứ 3 thế giới (theo GDP) cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga, trong đó có chất bán dẫn. Nga không được phép phát hành trái phiếu chính phủ tại nước này. Nhật Bản cũng đang tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine.

Trong lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản đã vạch ra “lằn ranh” đối với Nga. Do sở hữu rất ít tài nguyên, Nhật Bản phải nhập khẩu gần như toàn bộ than. Trong đó, Nga cung cấp cho nước này khoảng 13% lượng than để sản xuất điện; 8% lượng than được sử dụng trong sản xuất thép và 9% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Nhật Bản cũng có cổ phần trong các dự án dầu khí Sakhalin-1 và 2 của Nga. Thủ tướng Kishida coi đây là “dự án vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước”. Tuy nhiên, vào ngày 8/4, Bộ trưởng Thương mại Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản “sẽ hướng tới việc ngừng nhập khẩu than từ Nga” như một mục tiêu dài hạn.

Những thách thức với Nhật Bản

Chú thích ảnh
Một mỏ than tại Nga. Ảnh: Bloomberg

Ông Ali Asghar, nhà phân tích của BloombergNEF, cho biết thị trường than nhiệt toàn cầu đã bị thắt chặt. Với việc EU cũng loại bỏ dần nhập khẩu than của Nga, cạnh tranh từ các quốc gia khác sẽ gia tăng. Kế hoạch của chính phủ Nhật Bản về việc hạn chế dần nhập khẩu than từ Nga có thể sẽ đẩy giá than nhiệt tăng mạnh, làm tăng hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình nước này.

Nhà quản lý của một công ty điện lực lớn của Nhật cho hay: “Nguồn cung than thậm chí sẽ thắt chặt hơn, khiến chi phí mua nhiên liệu này tăng vọt nếu than của Nga không thể tiếp cận các thị trường. Do đó, chi phí mua than cao hơn có khả năng làm tăng áp lực lên hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình Nhật Bản.”

Ngoài ra, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, như các nhà sản xuất hóa chất, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và một số có thể phải tìm kiếm các nguồn nhiên liệu khác.

Ông Isshu Kikuma, một nhà phân tích khác tại BloombergNEF, nhận định rằng trong dài hạn, nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào than của Nga có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo ở Nhật Bản. Nước này có thể khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã dừng hoạt động sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Điều đó cho thấy rằng Nhật Bản chưa có giải pháp tức thì nếu “quay lưng” với than Nga. Song Bộ trưởng Thương mại Hagiuda nhấn mạnh về lâu dài, Nhật Bản sẽ sử dụng năng lượng tiết kiệm, sản xuất các nguồn điện khác từ bỏ dần điện than và tìm nguồn cung từ các nước thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Các nguồn cung có thể thay thế than Nga

Song giới chuyên gia cho rằng việc tìm đến các nguồn cung khác nhằm thay thế than Nga là không khả thi, vì Nhật Bản sẽ phải tính đến sự đa dạng của các loại than. Một số nhà máy điện và lò nung ở Nhật Bản chỉ có thể sử dụng than của Nga và không thể dễ dàng thay thế bằng nguồn cung từ Australia hoặc Indonesia. Hơn nữa, theo nhận định của một quan chức thương mại, sản lượng của Australia và Indonesia đều đang sụt giảm do ghi nhận lượng mưa lớn.

Ngoài ra, Nhật Bản còn phải đối mặt với những vấn đề logistics phức tạp khi phải chuyển hướng sang các nguồn cung mới. Các nguồn hàng có thể đến từ các nhà sản xuất xa hơn, hoặc có thể không có sẵn phương tiện vận chuyển.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung khá khan hiếm. Tokyo chưa công bố bất kỳ ý định rút lui khỏi các dự án năng lượng nào của Nga, như các tập đoàn dầu khí BP và Shell của Anh đã làm. Cho đến nay, nước này cũng tránh áp đặt các biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đối với dầu khí của Nga, nhất quán với EU.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Hạn hán sang năm thứ 13, Chile lần đầu chia lịch cấp nước ở thủ đô
Hạn hán sang năm thứ 13, Chile lần đầu chia lịch cấp nước ở thủ đô

Các con sông chính cung cấp nguồn nước cho thủ đô Santiago đang khô cạn, buộc giới chức Chile phải lên kế hoạch phân chia sử dụng nước chưa từng có tiền lệ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN