Tất cả thành viên các NATO đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối

Tổng thư ký Tổ chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết tất cả các quốc gia thành viên đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối, nhưng phải sau khi xung đột với Nga kết thúc. 

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post vào tuần trước tại trụ sở của NATO ở Brussels và mới được công bố hôm 9/5, ông Stoltenberg nói rằng “tất cả các đồng minh NATO đều ủng hộ Ukraine trở thành thành viên của liên minh”.

“Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào, và tôi không thể đưa ra thời gian biểu cho việc đó,” ông Stoltenberg nói thêm. 

Tháng trước, khi đến thăm Kiev, nhà lãnh đạo NATO cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự. Vào thời điểm đó, ông Stoltenberg cam kết tiếp tục hỗ trợ để Kiev sớm gia nhập khối liên minh quân sự này. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có khung thời gian cụ thể cho việc gia nhập của Kiev. Ông Stoltenberg cũng đã công bố một chương trình hỗ trợ mới để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO theo kế hoạch.

Tuy nhiên, ý định của nhà lãnh đạo NATO sau đó đã vấp phải phản ứng từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông Orban tỏ ra ngạc nhiên khi Hungary chưa được các đồng minh tham vấn về vấn đề này.

Ông Stoltenberg cũng nói với tờ Washington Post rằng NATO đang giúp Kiev “chuyển đổi từ các vũ khí, học thuyết và tiêu chuẩn thời Liên Xô để có thể tương thích với các lực lượng NATO”, đồng thời cải cách và hiện đại hóa các thể chế quân sự và quốc phòng của nước này.

Người đứng đầu NATO nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện nay là đảm bảo Ukraine có thể bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ bởi nếu Kiev không làm được điều đó, sẽ không có gì để đàm phán.

Theo ông Stoltenberg, NATO có 2 nhiệm vụ cơ bản trong cuộc xung đột giữa Moskva với Kiev. Thứ nhất là hỗ trợ Ukraine. Thứ hai là ngăn chặn leo thang dựa trên quan điểm rõ ràng rằng “NATO không tham gia vào cuộc xung đột”. Ông lập luận rằng việc triển khai 40.000 quân tới Đông Âu là nhằm mục đích tránh leo thang với Nga.

Nhà lãnh đạo NATO cũng tiết lộ khối quân sự do Mỹ đứng đầu đã bắt đầu hậu thuẫn cho Kiev từ năm 2014. Theo ông, Mỹ, Canada và Anh đã cung cấp 78% hỗ trợ của khối cho Ukraine và đã huấn luyện quân đội Kiev từ năm 2014.

“Xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi căn bản NATO, nhưng phải nhớ rằng cuộc khủng hoảng này không phải bắt đầu vào năm 2022. Nó đã bắt đầu vào năm 2014”, ông Stoltenberg nhấn mạnh và cho biết kể từ đó, các thành viên đều tăng đáng kể chi tiêu quân sự để thể hiện trách nhiệm với liên minh.

Ukraine từ lâu đã theo đuổi tham vọng gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Liên minh này hiện có 31 thành viên, trong đó Phần Lan là thành viên mới nhất, được kết nạp sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Hồi tháng 3, Tổng thư ký NATO cũng đã giới thiệu với các quốc gia thành viên một bản đề xuất các đề nghị “thực tiễn và chính trị” cho Kiev. Các quan chức cho biết bản đề xuất đề cập đến tuyên bố mới về mối quan hệ của Ukraine với NATO, dựa trên tuyên bố năm 2008.

Về phần mình, giới chức Nga nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh NATO đã cam kết sẽ không mở rộng khối này sang Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, kể từ đó, NATO đã kết nạp thêm 15 thành viên mới, tất cả đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hoặc các quốc gia tham gia Hiệp ước Warsaw.

Mới đây, hôm 21/4, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra cảnh báo về thông báo “nguy hiểm” của NATO liên quan đến việc Ukraine gia nhập liên minh.

“NATO đang tự đặt ra mục tiêu đánh bại Nga ở Ukraine và để tạo động lực cho Kiev, liên minh này cam kết rằng sau khi xung đột kết thúc, Ukraine có thể được chấp nhận để tham gia vào liên minh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
NATO lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản
NATO lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản

Tờ Nikkei Asia ngày 3/5 đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản để phối hợp với các đồng minh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như Australia, Hàn Quốc và New Zealand.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN