Thế giới tuần qua: Thảm kịch hàng không Lion Air từ mẫu máy bay mới nhất của Boeing

Chiếc máy bay thương mại của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) mang số hiệu JT610 gặp sự cố lao xuống biển khiến toàn bộ hành khách thiệt mạng là sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.

Chú thích ảnh
Mảnh vỡ máy bay của hãng hàng không Lion Air trôi trên biển ở ngoài khơi Karawang, tỉnh Tây Java, Indonesia ngày 29/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khoảng 6h30 sáng 29/10 (theo giờ địa phương), chiếc máy bay Boeing 373 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air chở theo 2 phi công, 6 thành viên phi hành đoàn và 181 hành khách, đã lao xuống vùng biển Tây Java, thay vì đến thành phố Pangkal Pinang trên đảo Sumatra.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia, chiếc máy bay xấu số này đã gặp vấn đề kiểm soát bay chỉ 2 phút sau khi cất cánh. Lúc 6h22, tức chỉ 2 phút sau khi cất cánh, phi hành đoàn của chuyến bay đã yêu cầu đài kiểm soát không lưu tại sân bay Jakarta cho phép nâng độ cao từ khoảng 500m lên 1.500m do gặp vấn đề về kiểm soát bay. Phi hành đoàn của máy bay cũng đã yêu cầu quay trở về Jakarta. Yêu cầu này đã được chấp nhận, song máy bay đã bị mất tín hiệu liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.

Dữ liệu ban đầu từ trang mạng Flightradar 24 cho thấy khoảng 2 phút sau khi cất cánh, máy bay đạt độ cao 610m, sau đó giảm xuống còn 152 m trước khi tăng lên 1.524m và giữ độ cao này phần lớn thời gian sau đó. Tuy nhiên, máy bay bắt đầu tăng vận tốc ở những phút cuối và đạt 639 km/h trước khi mất liên lạc khi ở độ cao 1.113m.

Một số chuyên gia đánh giá dữ liệu truy dấu máy bay trước khi vụ tai nạn xảy ra cho thấy JT610 liên tục thay đổi độ cao và không tốc (tốc độ bay trên không), đồng nghĩa với việc có khả năng bộ cảm biến áp suất không khí đã không cung cấp thông tin chính xác cho phi công điều khiển. Theo John Cox - cựu phi công và chủ tịch tổ chức Hệ thống vận hành an toàn, cảm biến gặp trục trặc vì vậy có thể là một lời giải thích cho dữ liệu bay kỳ lạ những ông cảnh báo vẫn còn quá sớm để kết luận điều gì đã xảy ra trên chuyến bay định mệnh kia cho đến khi tìm ra được lời giải đáp từ hộp đen.

Hộp đen được tìm thấy lúc 10h05 ngày 1/11 ở độ sâu 30 m, vị trí cách 500 m từ tọa độ liên lạc cuối cùng của chiếc máy bay Lion Air JT 610. Hiện thiết bị này đã được bàn giao cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) để phân tích các dữ liệu song “một số bộ phận bị vỡ nát” đã gây cản trở quá trình điều tra. Một số chuyên gia gợi ý chiếc hộp đen bị vỡ nát cho thấy lực đâm khủng khiếp của chiếc máy bay xuống biển.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air tại cảng ở Jakarta, Indonesia ngày 30/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cú sốc đối với mẫu máy bay mới nhất của Boeing

Máy bay gặp nạn của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) gặp nạn vừa được đưa vào hoạt động 18 tháng trước. Chiếc 737 MAX 8 đầu tiên được đưa sử dụng làm máy bay thương mại vào tháng 5/2017 bởi hãng hàng không Malindo Air (Malaysia). Với lời quảng cáo là “chiếc máy bay đáng tin cậy nhất thế giới”, dòng 737 MAX 8 của Boeing được nhiều hãng hàng không khắp thế giới tín nhiệm mua về hoạt động.

Trên thực tế, việc chiếc Boeing 737 MAX 8 có vấn đề về kỹ thuật đã được đề cập từ trước khi chuyến bay khởi hành.

Theo ông Edward Sait - CEO của hãng Lion Air, tối 28/10, phi công của chiếc máy bay khi đó đang trên hành trình từ đảo Bali tới Jakarta đã báo cáo máy bay gặp một vấn đề kỹ thuật chỉ vài phút sau khi cất cánh. Tuy nhiên, ngay sau đó, phi công thông báo lại cho trạm kiểm soát không lưu rằng có thể khắc phục tình hình và tiếp tục hành trình. Chuyến bay tối đó đã hạ cánh an toàn nhưng phép màu đã không xảy ra đối với những hành khách đi chuyến ngày hôm sau, mặc dù chiếc máy bay được cho là đã khắc phục trục trặc và trải qua các bài kiểm tra đánh giá an toàn.

Giám đốc kỹ thuật và một số kỹ thuật viên của hãng hàng không Lion Air đã bị sa thải ngay sau vụ tai nạn vì không làm tròn trách nhiệm. Ban lãnh đạo Lion Air cũng đã gặp một nhóm đại diện của hãng Boeing ngày 31/10 để thảo luận về số phận loại máy bay 737 MAX 8 mà hãng đã mua.

Chú thích ảnh
Các mảnh vỡ máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không Lion Air trong một vụ tai nạn gần Denpasar, Indonesia ngày 14/4/2013. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bài học cho hàng không giá rẻ

Được thành lập vào năm 1999 và đặt trụ sở ở thủ đô Jakarta, Lion Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Indonesia và lớn thứ nhì Đông Nam Á. Mặc dù có mức tăng trưởng nhanh, song hãng hàng không này cũng luôn phải đối mặt với nhiều câu hỏi về đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hàng không.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cấm các hãng hàng không Indonesia, trong đó có Lion Air, bay tới châu Âu và Mỹ vào năm 2007 do lo ngại an toàn. Cho tới tháng 6/2016, Lion Air mới được phép tái triển khai các chuyến bay tới châu Âu.

Vụ tai nạn máy bay ngày 29/10 của hãng hàng không Lion Air lại làm dấy lên những lo ngại về an toàn bay của Indonesia nói chung và hãng hàng không giá rẻ này nói riêng.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Sự cố hy hữu máy bay Mỹ để mất bom nguyên tử
Sự cố hy hữu máy bay Mỹ để mất bom nguyên tử

Năm 1958, một chiếc máy bay ném bom tầm xa B-47 gặp sự cố trên không trung, khiến phi công phải thả quả bom nguyên tử mà nó mang theo xuống biển. Thứ vũ khí chết chóc này không phát nổ và biến mất kể từ đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN