Thổ Nhĩ Kỳ vẫn 'cầm chân' Phần Lan và Thụy Điển trên đường vào NATO

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã dội một gáo nước lạnh vào nguyện vọng nhanh chóng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, ngày 14/6/2021. Ảnh: Reuters 

Theo tờ DW (Đức), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 3/11 đã dội một gáo nước lạnh vào nguyện vọng nhanh chóng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan khi nói rằng, mặc dù có một số tiến bộ, hai nước này vẫn chưa đáp ứng tất cả các điều kiện của thỏa thuận ba bên để cho phép họ gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

"Cả hai nước đều bày tỏ rằng họ cam kết với bản ghi nhớ, nhưng vấn đề quan trọng là việc thực hiện", Ngoại trưởng Cavusoglu nói trong cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Istanbul.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5, sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát, nhưng đã vấp phải sự phản đối của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai nước Bắc Âu hỗ trợ "khủng bố" khi chứa chấp các chiến binh người Kurd bị Ankara truy nã.

Ba nước đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 6, theo đó Thụy Điển, Phần Lan cam kết "giải quyết nhanh chóng các yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ các nghi phạm khủng bố đang chờ xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ" và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara. Lệnh cấm này được áp đặt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng dân quân người Kurd YPG ở Syria năm 2019.

Thỏa thuận 3 bên nói trên đã giải tỏa trở ngại lớn duy nhất trên đường hai nước tham gia liên minh quân sự. Để gia nhập, họ cần sự đồng thuận nhất trí của toàn bộ 30 thành viên NATO, nên một mình Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể ngăn chặn tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan.

Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, hai nước Bắc Âu đã có những bước đi tích cực, chẳng hạn như với các quy định về xuất khẩu vũ khí. "Tuy nhiên, ngay bây giờ chúng tôi không thể nói rằng tất cả những cam kết đó đã được các quốc gia này tuân thủ”, ông Cavusoglu nói thêm.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, người đã gặp các nhà lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan trong những ngày gần đây, cho biết các nước đang nỗ lực hết sức để thực hiện bản ghi nhớ chung. Thụy Điển đang trong quá trình cấm các thành viên của các tổ chức khủng bố, một động thái sẽ giúp thay đổi số lượng người có thể bị dẫn độ - theo ông Stoltenberg.

Ông Stoltenberg nói: “Đã đến lúc chào đón Phần Lan và Thụy Điển với tư cách là thành viên đầy đủ của NATO”.

Quan chức này nhấn mạnh: Việc để hai đối tác thân thiết gia nhập hàng ngũ của NATO là rất quan trọng "để ngăn chặn bất kỳ sự hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm nào ở Moskva" và để gửi một dấu hiệu rõ ràng rằng cánh cửa liên minh vẫn rộng mở.

Chú thích ảnh
Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5/2022. Ảnh: AFP

Thời gian vẫn chưa rõ ràng

Thỏa thuận 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan, Thụy Điển được ca ngợi là một bước đột phá khi nó được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Nhưng ngay sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa sẽ đóng băng quá trình gia nhập vì cho rằng vấn đề dẫn độ đang Thụy Điển bị trì hoãn. 

Cho đến nay, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa quyết định phê chuẩn việc gia nhập, mặc dù Budapest dự kiến ​​sẽ sớm làm điều đó. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto bày tỏ tin tưởng trong một tweet đăng hôm 2/11 rằng "Phần Lan có thể tin tưởng vào Hungary" sẽ phê chuẩn sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Như Ngoại trưởng Cavusoglu ngụ ý hôm 3/11, những khúc mắc của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu liên quan đến Thụy Điển, quốc gia có một cộng đồng lớn người Kurd và nổi tiếng về lập trường rộng rãi đối với những người lưu vong và tị nạn chính trị.

Chính phủ Thụy Điển gần đây đã thay đổi, ngả sang cánh hữu. Ông Cavusoglu bày tỏ sự lạc quan rằng sự thay đổi trong chính phủ sẽ có ích trong lập trường về người Kurd.

Cả hai hồ sơ xin gia nhập NATO đều gắn liền với nhau, vì vậy Helsinki phải đợi Stockholm.

Tổng thư ký Stoltenberg dự kiến sẽ gặp Tổng thống Erdogan trong ngày 4/11 tại Istanbul trong chuyến thăm của ông tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan tâm đặc biệt của Ankara là những cư dân Thổ Nhĩ Kỳ có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1980 và đòi quyền bình đẳng cho các nhóm thiểu số. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người. Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU xếp PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo DW)
Nga bình luận về động thái NATO đưa quân đến gần biên giới 
Nga bình luận về động thái NATO đưa quân đến gần biên giới 

Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cho biết các lực lượng nhằm răn đe Nga đã tăng gấp đôi quy mô kể từ khi Moskva phát động chiến dịch ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN