Thỏa thuận Brexit có thể đẩy nước Anh vào tình thế tồi tệ nhất

Sau khi kết quả các cuộc đàm phán kín của Thủ tướng Anh Theresa May về Brexit được công bố trong tuần, một loạt bộ trưởng Nội các, trong đó có Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, nộp đơn từ chức bày tỏ thái độ phản đối.

Chú thích ảnh
Chiếc ghế Thủ tướng của bà Theresa May có nguy cơ 'lung lay'. Ảnh: Reuters

Mặc cho Bộ trưởng Brexit, Bộ trưởng Bắc Ireland, Phó Chủ tịch Đảng Bảo thủ, Thư ký Quốc hội Bộ Tư pháp từ chức, Thủ tướng May ngày 15/11 tuyên bố tại một cuộc họp báo thỏa thuận Brexit vẫn tiếp tục, và Anh sẽ rời EU từ ngày 29/3/2019. Bà phản đối một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit.

Đài phát thanh Sputnik đã có buổi trò chuyện với ông Alexander Mercouris – Tổng biên tập báo Duran – về số phận của Thủ tướng May cũng như về khả năng có một chính quyền Công đảng.

Ông Mercouris cho biết sự chia rẽ hiện tại tương tự tình huống năm 2016, khi nổ ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa Brexit “cứng” – nước Anh sẽ hoàn toàn độc lập trước các quan tòa châu Âu, chính sách thương mại và các quy định nhập cư của EU - và Brexit “mềm” - Anh và 27 nước EU sẽ vẫn duy trì một số cơ chế hoạt động.

“Vấn đề ở chỗ bà Theresa May chưa bao giờ quyết định lựa chọn phương án nào. Chính vì vậy, bà luôn muốn bí mật đàm phán và không để các bộ trưởng tham gia”, ông Mercouris nhận định. Đó là lý do vì sao họ “có một bản thỏa thuận mà không một ai mong muốn”.

Ông Mercouris nhấn mạnh còn có một nguy cơ to lớn hơn ngoài việc các bộ trưởng đơn giản là từ chức. “Hiện giờ sẽ xuất hiện những động thái có phối hợp trong đảng Bảo thủ để thách thức khả năng lãnh đạo của bà May. Nếu Thủ tướng đối mặt với thách thức đó, và rõ ràng không có ai có thể tiếp bước bà – thì điều này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn, trong đó khả năng lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sẽ can thiệp và trở thành tân Thủ tướng”.

Vị Tổng biên tập kỳ cựu cho biết có thể động cơ khiến một loạt các bộ trưởng từ chức là do “đã cảm nhận thấy nguy hiểm”, nhưng đúng hơn là do cơn thịnh nộ thực sự đối với thỏa thuận mà bà Theresa May tự ý ký thay mặt cho Công đảng và người dân nước Anh nói chung.

“Sự ưu tiên của bà May không phải là vấn đề kinh tế. Bà luôn khăng khăng nước Anh sẽ không còn là thành viên của EU và không là thành viên của liên minh thuế quan, vì quy định của liên minh thuế quan do EU đề ra, và giờ thực tế bà lại phản bội lời hứa đó”, ông Mercouris giải thích.

Theo ông Mercouris, nếu như đi theo thỏa thuận mà bà May công bố, nước Anh sẽ ở vị trí yếu thế hơn vì không những không còn tiếng nói trong EU mà còn bị các điều luật của EU áp chế. “Nếu chúng ta vẫn còn một phần trong liên minh thuế quan…, nền kinh tế của Anh vẫn bị EU kiểm soát, thế rời EU để làm gì?”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
EU ấn định tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Brexit vào ngày 25/11
EU ấn định tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Brexit vào ngày 25/11

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết một hội nghị thượng đỉnh của EU dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 tới để thông qua lần cuối và chính thức hóa dự thảo thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit vừa đã đạt được với Chính phủ Anh hôm 14/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN