Thượng đỉnh Mỹ-Triều nhóm lại giấc mơ đường sắt nối Bán đảo Triều Tiên với châu Á

Tại nhà ga xe lửa ở cực bắc của Hàn Quốc, đường ray đột ngột dừng lại trước khu vực phi quân sự đánh dấu biên giới Triều Tiên. Một biển báo ghi: "Con ngựa sắt vẫn muốn chạy tiếp".

Chú thích ảnh
Nhà ga Baengmagoji ở Cheorwon gần Khu Phi quân sự liên Triều. Ảnh: AFP/Getty Image

Mong muốn đó có thể sớm trở thành hiện thực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào ngày 27 và 28/2 tới tại Hà Nội. Theo Bloomberg, kết quả cuộc gặp dự kiến có thể bao gồm việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy các bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa và một tuyến đường sắt được đề xuất từ cách đây hơn 15 năm là một trong một số những dự án liên Triều quan trọng rốt cuộc có thể sẽ được phê duyệt.

Trong một cuộc điện thoại với Tổng thống Trump vài ngày trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Seoul sẵn sàng hợp tác xây dựng tuyến đường sắt liên Triều và các dự án kinh tế khác nếu điều đó hỗ trợ cho quá trình đàm phán. Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể bao gồm việc mở cửa lại tổ hợp công nghiệp liên Triều Kaesong, nơi có trên 120 công ty của Triều Tiên đang hoạt động trước khi nó bị đóng cửa vào năm 2016 do căng thẳng gia tăng.

Chú thích ảnh
Một bartender trang trí ly cocktail bằng hai lá cờ Mỹ, Triều Tiên ở Hà Nội ngày 20/2/2019. Ảnh: Reuters 

"Chúng tôi đang làm mọi thứ, chúng tôi sẵn sàng tiến tới bất cứ khi nào có cơ hội", Bloomberg dẫn lời ông Shin Han-yong, người đứng đầu Hiệp hội các công ty Hàn Quốc điều hành Khu công nghiệp Kaesong nói.

Kể từ khi tuyên bố tạm dừng các vụ thử tên lửa và bom vào năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tìm cách thuyết phục thế giới dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt gồm cấm đầu tư, hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu dầu khí. Trong khi đó, Tổng thống Trump cho đến nay vẫn khăng khăng rằng Bình Nhưỡng cần từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ - một lập trường dẫn đến bế tắc trong đàm phán.

Trong năm 2018, hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in đã đặt nền móng cho tuyến đường sắt liên Triều với việc tổ chức một buổi lễ vào tháng 12 về hiện đại hóa các tuyến ở phía đông và phía tây của bán đảo, tiếp theo đó là các nghiên cứu bổ sung và lên thiết kế. Động thái này có lợi cho Triều Tiên trong khi Hàn Quốc cũng muốn kết nối với phần còn lại của châu Á bằng đường bộ, từ đó liên kết với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Kết quả từ cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump trong tuần tới có thể bao gồm sự chấp thuận cho một tuyến đường sắt liên Triều. Ảnh minh họa: AP

Dự án đường sắt nối Bán đảo Triều Tiên với châu Á lần đầu tiên được ra mắt cách đây hơn 15 năm, nhưng bị đình lại do căng thẳng chính trị và các lệnh trừng phạt toàn cầu áp đặt lên Bình Nhưỡng.

Trong một khoảng thời gian ngắn vào hơn một thập kỷ trước, các chuyến tàu chở hàng của Hàn Quốc từng chạy vào Khu công nghiệp Kaesong, cho đến khi căng thẳng chính trị phá hỏng dự án. Việc khôi phục và hiện đại hóa đường sắt của Triều Tiên sẽ cho phép Hàn Quốc chạy tàu vào Nga, Trung Quốc và hơn thế là giảm chi phí vận chuyển cho nền kinh tế vốn nặng về xuất khẩu của nước này.

Xem video ngắm phong cảnh Triều Tiên trên hành trình tàu hỏa:

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ giúp Triều Tiên dỡ bỏ các rào cản để kiếm ngoại tệ từ nguồn tài nguyên khoáng sản trị giá tới 6 nghìn tỷ USD, theo ước tính từ năm 2013 của Viện Tài nguyên Triều Tiên tại Seoul. Triều Tiên cũng là nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, một nguyên liệu rất quan trọng để sản xuất các linh kiện chính của động cơ xe điện tử và nhiều thiết bị công nghệ cao mà Hàn Quốc cần đến.

"Dự án đường sắt này khác với các dự án trước đây bởi vì nó không chỉ nhằm kết nối Hàn Quốc với phần còn lại của châu Á, mà còn cải thiện cơ sở hậu cần ở miền Bắc", Lee Hae-jung, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Hyundai cho biết. "Đường sắt và đường bộ rất quan trọng đối với các nền kinh tế, do đó, việc giúp Triều Tiên hiện đại hóa hệ thống giao thông của mình có thể thực sự giúp cải thiện nền kinh tế của họ", ông Lee nói thêm.

Chú thích ảnh
Mạng lưới đường sắt của Triều Tiên không thay đổi nhiều trong những thập niên qua. Ảnh: Kyodo

Mạng lưới đường sắt và tín hiệu của Triều Tiên đã không thay đổi nhiều so với khi nó được xây dựng lại sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Mạng lưới này có năm tuyến liên kết với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Hai tuyến với Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ nhất và có lẽ là hiện đại nhất.

Thỏa thuận đường sắt có thể mang lại lợi ích cho các các công ty Hàn Quốc, đưa họ lên những vị trí lợi thế hơn trước các đối thủ từ Trung Quốc cũng có thể muốn nhảy vào.

Lúc này, đã có nhiều dấu hiệu lạc quan trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên khi Chủ tịch Kim Jong-un vào tháng 1 đề nghị nối lại hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong và khu nghỉ mát Mount Geumgang (Núi Kim Cương) ở Triều Tiên, trong khi Mỹ cũng cho thấy đã sẵn sàng hơn để nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm đáp lại các bước phi hạt nhân hóa.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Gia tộc sòng bài Macau quyết hồi sinh ‘đế chế’, đọ sức đối thủ từ Las Vegas
Gia tộc sòng bài Macau quyết hồi sinh ‘đế chế’, đọ sức đối thủ từ Las Vegas

Tại Macau (Trung Quốc), trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, không có nhiều đế chế kinh doanh hùng mạnh như gia tộc của “ông trùm” Stanley Ho (Hà Hồng Sân) hoặc cũng khó phức tạp như gia đình ông: một tỉ phú 97 tuổi có cả thảy 17 người con với 4 bà vợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN