Tiến trình hòa bình Ấn Độ-Pakistan trước nguy cơ chệch hướng

Các cuộc đấu súng gây thương vong giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan qua “Ranh giới kiểm soát” (LoC) tại Kashmir từ ngày 6/1 có nguy cơ làm chệch tiến trình hòa bình Ấn Độ - Pakistan vốn được đánh giá là có tiến triển khả quan trong những năm gần đây.

Hai nước đã triệu Đại sứ của nhau để trao công hàm phản đối và cáo buộc lẫn nhau về “hành động khiêu khích, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn”. Phía Pakistan còn đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) điều tra các vụ vi phạm ngừng bắn, song Ấn Độ không muốn có sự can dự của bên thứ ba.

Lính biên phòng Ấn Độ gác tại Baltal ngày 25/6/2012. Ảnh: AFP/TTXVN


Jammu và Kashmir, nơi được mệnh danh là “Thiên đường nơi hạ giới”, là khu vực có phong cảnh đẹp tuyệt vời, song cũng là khu vực nhạy cảm với nhiều tổ chức khủng bố cực đoan hoạt động. Cuộc chiến đầu tiên giữa Ấn Độ và Pakistan xảy ra năm 1947 - 1948.

Dưới sự giám sát của LHQ, hai nước chấp nhận thỏa thuận về “giới tuyến ngừng bắn”, theo đó 1/3 khu vực này do Pakistan cai quản; còn 2/3 gồm Jammu, Ladakh và Thung lũng Kashmir thuộc về Ấn Độ. Đến năm 1972, theo các điều khoản của hiệp định Simla, “giới tuyến ngừng bắn” được đổi tên thành “Ranh giới kiểm soát” (LoC).

Mặc dù tuyên bố toàn bộ bang Jammu và Kashmir là của mình, nhưng Ấn Độ đã sẵn sàng chấp nhận LoC như một đường biên giới quốc tế. Cả Mỹ và Anh cũng tán thành chuyển LoC thành một đường biên giới được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, Pakistan không chấp nhận điều này vì Thung lũng Kashmir có đa số người Hồi giáo sinh sống vẫn là một phần của Ấn Độ.

Năm 1999, trên chuyến hành trình “ngoại giao bằng xe buýt” qua LoC, Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Bihari Vajpayee đã tới thăm Pakistan, đặt nền móng cho tiến trình thương lượng hòa bình sau này. Năm 2003, hai bên bắt đầu duy trì một lệnh ngừng bắn dọc LoC, mặc dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra đụng độ.

Tiến trình hòa bình Ấn Độ - Pakistan đã tiến được những bước đáng kể trong những năm gần đây thông qua các biện pháp thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi tháng 11/2008 đã gây căng thẳng trong quan hệ hai bên bởi những kẻ chủ mưu khủng bố có sào huyệt tại Pakistan.

Năm 2012, quan hệ hai nước đã được cải thiện với việc triển khai các biện pháp đẩy mạnh thương mại, mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này vào nước kia, tự do hóa cơ chế thị thực và hợp tác chống khủng bố. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nhận lời mời sẽ tới thăm Pakistan vào “thời điểm thích hợp”…

Những tín hiệu tích cực trên đã bị bóng đen bao phủ khi trong tuần đầu tiên của năm 2013 liên tiếp xảy ra ba vụ đọ súng gây thương vong cho cả hai phía. Những cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau đã làm tổn hại đến quan hệ ngoại giao song phương vốn rất khó khăn mới tạo dựng được.

Ngày 11/1, người phát ngôn của Đảng Quốc đại – đảng đứng đầu Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền tại Ấn Độ - đã khuyến cáo nếu Pakistan không chấm dứt hành động vi phạm phạm LoC thì Ấn Độ sẽ tính đến việc hành động mạnh mẽ. Ông tuyên bố “Chúng tôi không muốn phá vỡ tiến trình hòa bình, song chúng tôi cần gửi một thông điệp mạnh tới Pakistan rằng chúng tôi hoàn toàn mạnh và có thể đối phó với bất kỳ thách thức nào. Một bức tranh rõ ràng sẽ xuất hiện trong 3-4 ngày tới”.

Tuy nhiên, ông cũng bác bỏ nhận xét của cựu Ngoại trưởng Yashwant Sinha, lãnh đạo Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) – đảng lớn nhất trong Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) – rằng cả UPA lẫn NDA đã sai lầm trong việc đàm phán hòa bình với Pakistan. Ông nhấn mạnh Ấn Độ muốn có mối quan hệ hữu nghị với Pakistan và mong muốn tăng cường mối quan hệ này.

Hy vọng của Chính phủ Ấn Độ là vậy, song thực tế liệu có được như mong muốn. Tiến trình hòa bình Ấn Độ - Pakistan đã lùi thêm một bước khi ngày 10/1, Pakistan quyết định đình chỉ dịch vụ xe buýt giữa khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (Pok) và bang Jammu và Kashmir (J&K) của Ấn Độ cho đến ngày 14/1. Có 25 xe tải chở hàng, chủ yếu là rau quả từ J&K sang cho các nhà buôn ở PoK, đã tắc tại điểm kiểm soát.

Trước tình trạng căng thẳng leo thang, Thủ hiến bang J&K Omar Abdullah đã đề nghị hai nước tiếp tục tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn bởi chỉ có như vậy mới có thể hạ nhiệt được sự căng thẳng trong quan hệ song phương và tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân nơi đây.


Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)
Pakistan đề nghị quốc tế giúp giảm căng thẳng với Ấn Độ

Chính phủ Pakistan ngày 11/1 đã bày tỏ quan ngại của nước này với các nhà ngoại giao phương Tây và Nhóm quan sát viên quân sự của Liên hợp quốc (UNMOG) về Ấn Độ và Pakistan liên quan các cuộc xung đột vừa qua trên biên giới hai nước, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế giúp tháo gỡ căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN