Tiết lộ các điều kiện để EU chấp thuận mở đàm phán gia nhập với Ukraine

Quyết định mới nhất của Ủy ban châu Âu mang lại những bất ngờ – vừa dễ chịu vừa thách thức đối với Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: president.gov.ua

Tham vọng gia nhập EU của Ukraine đã nhận được động lực quan trọng khi Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các cuộc đàm phán chi tiết sẽ bắt đầu vào năm tới. Theo tờ Pravda (Ukraine), EC, cơ quan điều hành của EU, mới đây đã thông qua một quyết định được mong đợi từ lâu nhưng vẫn là tạm thời về việc bắt đầu đàm phán gia nhập của Ukraine.

Quyết định mới nhất của EC mang lại những bất ngờ cho Ukraine – vừa dễ chịu vừa thách thức. Cụ thể, EC đã khuyến nghị các quốc gia thành viên (những nước đưa ra quyết định cuối cùng) nên khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU với Ukraine. Đây được cho là một chiến thắng với Ukraine, nhưng quyết định trên của EC không phải là cuối cùng. Nó phải được phê duyệt (ở dạng hiện tại hoặc ở dạng cập nhật) bởi hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến ​​vào ngày 14/12 tới.

Ukraine đang kỳ vọng một thủ tục gia nhập nhanh chóng được cấp cho Kiev, điều mà trước đây chưa từng tồn tại. Các giai đoạn trung gian, kỹ thuật sẽ bắt đầu vào tháng 12/2023 ngay sau khi quyết định chính trị được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh EU.

Tuy nhiên, ngày chính xác vẫn chưa được ấn định, vì mọi quyết định đều cần có sự đồng thuận, trong khi vấn đề với Hungary vẫn chưa được giải quyết. Một ví dụ để so sánh: Albania và Bắc Macedonia đã phải chờ phê duyệt “khuôn khổ đàm phán” trong hơn hai năm. Kiev luôn cho rằng tốc độ chậm như vậy là không thể chấp nhận được.

Vì vậy, EC đã tạo ra một thủ tục gia nhập của Ukraine chưa từng tồn tại trước đây với 4 yêu cầu được liệt kê trong quyết định mà Ukraine phải đáp ứng trước tháng 3/2024 để được "bật đèn xanh": Thứ nhất, ban hành luật do chính phủ đề xuất tăng giới hạn nhân sự cho Cơ quan Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP). Thứ hai, loại bỏ khỏi luật phòng chống tham nhũng các quy định hạn chế quyền hạn của NACP trong việc tiếp tục xác minh tài sản.

Thứ ba, ban hành luật vận động hành lang điều chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu. Thứ tư, ban hành luật giải quyết các khuyến nghị còn lại của Ủy ban Venice (cơ quan tư vấn của Hội đồng châu Âu) vào tháng 6/2023 và tháng 10/2023 liên quan đến Luật các dân tộc thiểu số.

Vấn đề dân tộc thiểu số trên được cho là nhằm xoa dịu Hungary chỉ trích Ukraine, nhưng còn tùy thuộc vào tình hình chính trị. Đối với Hungary, điều kiện này có thể giúp Thủ tướng Viktor Orbán thỏa hiệp với EC liên quan đến lĩnh vực tài chính, vì ông có thể tận dụng việc chặn Ukraine để được giải ngân các quỹ của EU đang bị phong tỏa giành cho nước này, trong khi Ukraine cũng phải thỏa hiệp với Hungary.

Tuy nhiên, yêu cầu thứ ba được cho là thực sự thách thức với Ukraine. Nó đặt ra một tiền lệ có thể gây ra vấn đề cho Kiev trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Yêu cầu này khiến cho các cuộc đàm phán thành viên phụ thuộc vào việc Ukraine có thông qua luật vận động hành lang hay không. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo pravda.com.ua/eng)
Một số nước EU lo ngại rủi ro khi sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa
Một số nước EU lo ngại rủi ro khi sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa

Nỗ lực của EU nhằm sử dụng hàng tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine đang gặp phải những thách thức trong bối cảnh lo ngại về rủi ro đối với thị trường tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN