Tiết lộ số tiền khủng Syria trả để sở hữu S-300, hiện đã 'nổi' trong tài khoản Nga

Số tiền khổng lồ này thực ra đã được chuyển tới các ngân hàng Nga từ vài năm trước, nhưng chỉ mới "nổi" trong tài khoản của Nga khi hệ thống S-300 được gấp rút chuyển giao cho Damascus.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa S-300 của Nga với những tính năng tiên tiến, bắt gọn các loại tên lửa của đối phương.

Trang israelnationalnews dẫn nguồn tin từ kênh truyền hình nhà nước Israel, Kan 11 cho biết, Nga hiện đã nhận được khoản thanh toán trị giá 1 tỉ USD của Syria cho hệ thống tên lửa đất đối không S-300.

Syria đã chuyển số tiền này vào các ngân hàng Nga từ vài năm trước, khi hai bên ký kết hợp đồng S-300. Sau đó, trước sức ép từ Israel, Nga tạm dừng hợp đồng, vì thế số tiền chưa chính thức chuyển sang tay Moskva.

Với việc Nga đang gấp rút chuyển giao các hệ thống S-300 cho Syria, số tiền nói trên đã được chuyển sang tài khoản của Nga, một nguồn tin tiết lộ với Kan 11. Hiện chưa rõ đây là số tiền thanh toán cho bao nhiêu hệ thống S-300 mà Syria sẽ nhận.

Một nguồn tin ngoại giao khác thừa nhận, việc Syria tiếp nhận S-300 sẽ là "thách thức lớn với Israel" bởi nước này lâu nay vẫn khá "thoải mái" oanh tạc các địa điểm họ nghi là của Iran trên lãnh thổ Syria mà không gặp phải tổn thất đáng kể nào.

"Đây không chỉ là một thách thức với đất nước (Israel), và chúng ta đang đối phó bằng nhiều cách, chứ không nhất thiết phải là ngăn cản cuộc chuyển giao (S-300)", nguồn tin nói.

Xem video S-300 Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật:

Trong khi đó, theo Sputnik, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 28/9 xác nhận rằng Quân đội Arab Syria  sẽ nhận được các tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm xa S-300 trong thời gian sắp tới và tiết lộ thêm rằng Syria đang muốn mua thêm S-400 từ Nga.

“Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, chúng tôi sẽ nhận các tổ hợp S-300 trong 2 tuần. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có thêm S-400”, ông Muallem trả lời báo chí sau cuộc gặp bên lề với người đồng cấp Shoigu tại kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra New York, Mỹ.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/9 xác nhận, Moscow bắt đầu chuyển hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Syria. Đây là động thái đầu tiên nhằm đáp trả vụ máy bay Il-20 của Moscow bị tên lửa phòng không Syria bắn nhầm hôm 17/9 khi đang nhằm mục tiêu là máy bay Israel.

Nga đã quy trách nhiệm cho Israel về vụ việc trên, cáo buộc Tel Aviv đã thông báo quá chậm trễ về kế hoạch không kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, cũng như phi công lái máy bay chiến đấu F-16 của Israel đã "nấp" sau máy bay Nga dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Chú thích ảnh
Tàu vận tải hàng M/V Sparta III vượt qua eo biển Bosphorus vào Địa Trung Hải, được cho là chở theo tên lửa S-300 của Nga.

Hôm 24/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quyết định nhanh chóng triển khai hệ thống S-300 tại Syria. Những hệ thống đầu tiên được cam kết sẽ chuyển giao trong vòng 2 tuần. Theo một số nguồn tin từ khu vực Trung Đông, Nga có thể sẽ chuyển tổng cộng 8 hệ thống S-300 cho Syria.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel vẫn duy trì tấn công các mục tiêu tại Syria bất chấp việc Nga chuyển hệ thống phòng không  S-300 cho Damascus. Ông Netanyahu cũng bổ sung rằng hợp tác an ninh giữa Israel và quân đội Nga sẽ không bị gián đoạn.

Phát biểu trước các phóng viên ngày 25/9, Thủ tướng Netanyahu xác nhận Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự mà Tel Aviv cho rằng có liên quan tới Iran ở Syria. Thủ tướng Netanyahu cho biết Nội các Israel hoàn toàn ủng hộ quân đội quốc gia này và sẽ tiếp tục “ngăn Iran tăng cường hiện diện quân sự tại Syria”.

Tổ hợp S-300 được phát triển tại Liên Xô từ thập niên 1970 và mục đích chính là nhằm bảo vệ và kiểm soát không phận trước mối đe dọa từ máy bay ném bom, tiêm kích và các mục tiêu đường không khác. Cho đến nay, S-300 vẫn là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới, một thứ vũ khí được rất nhiều nước khao khát sở hữu bởi tính hiệu quả hàng đầu trong bảo vệ vùng trời.

Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tấn công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa, độ cao lớn. Kết hợp với năng lực chết chóc của các tên lửa, tính năng bảo vệ tầm xa có thể hủy hoại ưu thế trên không của Israel trong các cuộc tập kích mục tiêu tại Syria.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vì sao Israel - Iran từ bạn thân trở thành kẻ thù 'không đội trời chung'?
Vì sao Israel - Iran từ bạn thân trở thành kẻ thù 'không đội trời chung'?

Hai quốc gia duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong suốt 30 năm, nhưng vì lý do nào họ trở thành kẻ thù dù không chia chung đường biên giới hay vướng vào bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN