Tổng thống Donald Trump: Nước Mỹ đang 'khủng hoảng trong trái tim, trong tâm hồn'

Nước Mỹ đang “khủng hoảng trong trái tim, khủng hoảng trong tâm hồn” là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết luận trong bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình về những hệ lụy mà ông cho rằng xuất phát từ làn sóng nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Mexico.

Với việc tái khẳng định lập trường cứng rắn trong chính sách nhập cư, bài phát biểu của vị Tổng thống đảng Cộng hòa không những cho thấy triển vọng mờ mịt của "cuộc so găng" ngân sách xây dựng bức tường biên giới, mà còn có nguy cơ để lại những hệ lụy nghiêm trọng về mặt kinh tế, xã hội nếu tình trạng chính phủ đóng cửa tiếp tục kéo dài.

Chú thích ảnh
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu gần 10 phút vào sáng 9/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump không ngần ngại vẽ lên bức tranh “khủng khiếp” về "cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh" mà nước Mỹ đang phải đối mặt do tình trạng nhập cư trái phép ở biên giới với Mexico.

Đó là vấn nạn buôn lậu ma túy qua đường biên giới khiến mỗi tuần có tới 300 công dân Mỹ thiệt mạng vì heroine, là nhiều vụ án giết người man rợ mà thủ phạm đều là những người nhập cư trái phép, là những cơ hội việc làm đã bị mất, tiền lương bị giảm sút và gánh nặng đối với nguồn lực cộng đồng mà mọi người dân Mỹ đều phải gánh chịu.

Với những lập luận đó, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục nhắc lại yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới, khẳng định đây là giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia lớn. Ông còn khoét sâu thêm mâu thuẫn với đảng Dân chủ khi quy toàn bộ trách nhiệm cho đảng này vì không chịu chi ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới, khiến một phần chính phủ cho tới nay vẫn bị đóng cửa.       

Có thể thấy, toàn bộ câu chuyện về khủng hoảng của ông chủ Nhà Trắng đều mang hy vọng lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng về sự cấp thiết phải xây một bức tường biên giới. Một mặt, ông Trump đang gây áp lực lên các nghị sĩ Dân chủ, mặt khác củng cố sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng chung chiến tuyến trong cuộc đối đầu chính trị có thể nói khó khoan nhượng này. Sự kiên định và quyết không “xuống nước” của nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục khiến thế giằng co với các nghị sĩ đảng Dân chủ ngày càng quyết liệt.

Ít phút sau phát biểu của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng đăng đàn trên sóng truyền hình trực tiếp cáo buộc ông Trump gieo rắc sự sợ hãi khi vẽ nên một bức tranh sai lệch về một quốc gia đang bị đe dọa. Hai lãnh đạo Dân chủ này chỉ trích chính Tổng thống Trump là người tạo ra cuộc khủng hoảng nước Mỹ đang đối mặt.

Có thể thấy, cả ông chủ Nhà Trắng và phe Dân chủ đều kiên quyết giữ vững lập trường của mình khi nỗ lực đưa ra những lý lẽ để thuyết phục cử tri ủng hộ trong khi chỉ trích bên còn lại. Bầu không khí đối đầu căng thẳng trên tiếp tục hạ thấp triển vọng đạt được một thỏa thuận nhằm sớm chấm dứt việc đóng cửa một phần chính phủ trong các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ sắp tới. Vô hình trung, cả hai có vẻ đang cùng xây một "bức tường chính trị" mà những nỗ lực vượt qua nó để mở cửa trở lại chính phủ hầu như đều đang "húc đầu vào đá" .

Đối với ông Trump, khoản tiền hơn 5 tỷ USD, nếu nằm trong tổng ngân sách của Chính phủ Mỹ thì không hề lớn, song lại mang tính chất biểu tượng quan trọng cho những cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Việc phải rút lại đề xuất này sẽ được xem là thất bại nặng nề của cả đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump trước đảng Dân chủ.

Trong trường hợp gói chi tiêu trên không được thông qua, tất cả chỉ trích sẽ chuyển sang nhằm vào cá nhân ông Trump và đây không phải là điều mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn. Chính vì thế, mâu thuẫn về khoản 5,7 tỷ USD không phải không thể thỏa hiệp mà nằm ở việc hai bên sẽ đưa ra những nhượng bộ nào và đến mức nào.

Theo ông John Tamny, một chuyên gia Mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) tại Washington, việc đóng cửa một phần của chính phủ liên bang sẽ còn kéo dài cho đến khi các bên đạt được những mục tiêu chính trị của mình. Ông nói: “Đối với Tổng thống Donald Trump đó là bức tường biên giới với Mexico. Còn đối với đảng Dân chủ, câu trả lời của họ là không có cách nào để đồng ý tài trợ cho bức tường này. Vì vậy về một mặt nào đó, việc tiếp tục kéo dài tình trạng hiện nay là cần thiết đối với cả hai bên để có thể đạt được mục đích của mình”. Điều đó cũng đồng nghĩa Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bị "giam lỏng" giữa "bức tường" vô hình của những đấu đá chính trị.

Giới phân tích nhận định việc Tổng thống Trump chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, như ông từng đe dọa trước đó, cho thấy ông chủ Nhà Trắng phần nào lường trước được khả năng phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý dài hơi, thậm chí cho tới cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, nếu hiện thực hóa lời đe dọa đó.

Bà Elizabeth Goitein, Giám đốc Trung tâm Tư pháp Brennan, một viện luật pháp và chính sách công, cũng cho rằng mặc dù Tổng thống Mỹ hoàn toàn có quyền hạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, song nếu tuyên bố đó để phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới thì không khác gì hành vi “lạm dụng quyền lực”. Điều này sẽ phần nào khiến uy tín và hình ảnh của ông chủ Nhà Trắng trong công chúng giảm sút đáng kể trong bối cảnh ông Trump đang tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.

Chưa rõ liệu hai bên sẽ tìm kiếm được một sự thỏa hiệp như thế nào, song tác động của tình trạng chính phủ đóng cửa bắt đầu đè nặng lên đời sống hàng ngày của người dân Mỹ, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo. Trong khi đó, một số nhà phân tích ước tính đợt đóng cửa lần này gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, một món tiền còn lớn hơn cả ngân sách mà Tổng thống Trump đòi có được để xây bức tường ở đường biên giới với Mexico.

Việc các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể đảm bảo một trong những nhiệm vụ cơ bản là duy trì cho chính phủ hoạt động ổn định, một lần nữa cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trên chính trường Mỹ cũng như tính chất khốc liệt của cuộc đấu đá chính trị kéo dài hiện nay.

Phương Oanh (TTXVN)
Tổng thống Mỹ và đảng Dân chủ đàm phán lần 3 về bức tường biên giới
Tổng thống Mỹ và đảng Dân chủ đàm phán lần 3 về bức tường biên giới

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump dự kiến có cuộc gặp lần thứ 3 với các nghị sỹ chủ chốt của Quốc hội Mỹ tại Nhà Trắng vào ngày 9/1, kể từ khi Chính phủ Mỹ “đóng cửa” hôm 22/12, trong bối cảnh các bên vẫn bế tắc trong việc hướng đến một thỏa thuận cấp ngân sách cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN