Trừng phạt phương Tây chống Nga đe dọa ‘Đường sắt Tơ lụa’ của Trung Quốc

Xung đột tại Ukraine khiến hàng tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc không xuất qua được tuyến hành lang đường sắt chiến lược kết nối với châu Âu.

Chú thích ảnh
Tàu chở hàng từ Nga cập cảng Mukran, Đức, nằm trên đường vận tải hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu. Ảnh: ZumaPress

Lệnh trừng phạt chống Nga đang tạo ra những đứt gãy trong tham vọng của Trung Quốc về tăng lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu, cản trở siêu đề án có quy mô lên đến 4.000 tỉ USD mà Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi nhằm giúp đẩy Trung Quốc lên vị thế đối tác thương mại vượt trội của thế giới.

Liên minh châu Âu đến thời điểm này vẫn chưa chính thức cấm hàng nhập khẩu vận chuyển qua lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, những chuyến tàu chở hàng bằng đường sắt sang châu Âu đã bị đóng băng – theo thông tin các hãng chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa. Vận chuyển container hàng xuất khẩu từ Trung Quốc dọc theo cung đường sắt dài 12.000 km chạy qua Nga đến Anh quốc là một phần quan trọng trong tổng thể dự án Vành đai và Con đường (BRI) hướng đến mục tiêu kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng cả đường bộ và đường biển.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều hãng dịch vụ vận tải chuyên chuyển hàng Trung Quốc đã chuyển hướng sang Kazakhstan và Grudia, coi đây là điểm tiếp cận cho vận tải đường sắt. “Nhiều khách hàng tại châu Âu và Trung Quốc đã thay đổi phương thức chuyển hàng, từ đường sắt sang đường biển. Tình hình đang rất nhạy cảm, có nguy cơ đối với vận tải đường sắt và mọi chuyện có thể nhanh chóng xấu đi”, Andreea Brinza, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Romania, cho biết.

Kết nối đường sắt chủ đạo – thường được biết đến với tên gọi “Hành lang đường sắt Con đường Tơ lụa”, chạy từ Trung Quốc sang châu Âu với các kết nối quan Nga, rồi từ đó sang Belarus và Ba Lan. Cảng St. Petersburg ở miền tây nước Nga cũng là một điểm kết nối khác. Nhiều tàu chở hàng đường sắt từ Trung Quốc sẽ vượt Siberia, tập kết tại cảng này trước khi được chất lên tàu biển khởi hành sang châu Âu.

Một số hãng vận tải biển và logistics trên thế giới như A.P. Moeller-Maersk A/S, Hapag-Lloyd AG và DB Schenker đã cho dừng hoạt động vận chuyển đến và đi từ Nga. Cảng nội địa Duisburg tại Đức, một điểm trung tâm trong hành lang, trong tháng 3 từng cảnh báo các hãng bảo hiểm tàu biển nhiều khả năng sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các chuyến hàng đi từ Nga và Belarus.

Chú thích ảnh
Container tập kết tại cảng St. Petersburg, Nga. Ảnh: ZumaPress

Mạng lưới đường sắt Con đường Tơ lụa này được nhiều hãng vận tải ưa thích tại thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới. Nó được xem là lựa chọn thay thế của vận tải biển vốn lúc đó gặp khó khăn, với nhiều cảng phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất do lây lan của virus. Hàng dài tàu biển bị kẹt trong nhiều tuần tại các cảng biển ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, khiến việc giao hàng bị chậm nhiều tháng.

Nhìn tổng thể, các hãng vận tải trong năm 2021 vận chuyển lượng hàng hóa trị giá 82 tỉ USD từ Trung Quốc xuất sang châu Âu qua đường sắt, tăng gấp 10 lần so với năm 2016 và chiếm khoảng 10% trong tổng giao dịch thương mại hai chiều Trung Quốc-châu Âu, với phần lớn còn lại được vận chuyển bằng đường biển. “Cung đường vận chuyển này nhanh hơn, rẻ hơn so với đường biển. Nhưng xung đột đã tạo ra bước lùi đối với sáng kiến BRI”, George Xiradakis, Giám đốc điều hành hãng tư vấn XRTC Business có trụ sở tại Athens, Hy Lạp, nhìn nhận.

Cảng Duisburg, thường là điểm đến đầu tiên đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, trước đây thường đón hàng chục chuyến tàu hỏa mỗi tuần, chở theo quần áo, đồ thể thao, thiết bị điện tử từ các trung tâm chế tạo như Vũ Hán, Trùng Khánh, tại Trung Quốc. Trên cung đường trở về, tàu chở theo xe hơi của Đức, rượu vang Pháp, rượu whisky Scotland, hàng thời trang từ Milan. “Tàu chở hàng vẫn chạy trong trước và sau thời điểm Nga mở cuộc tấn công. Nhưng chúng tôi đánh giá trong vài tuần tới số lượng tàu sẽ giảm”, người phát ngôn của cảng Duisburg nói.

Can dự quân sự của Nga tại Ukraine đã đẩy các công ty vận tải, logistics Trung Quốc vào tình thế khó khăn hơn. Họ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt bằng cách ngừng hoặc giảm quy mô hợp tác với phía Nga ngay cả khi Bắc Kinh tuyên bố không tham gia vào cuộc chơi cấm vận Moskva do Mỹ đứng đầu.

Lượng hàng xuất khẩu bằng tàu hỏa từ cảng Đại Liên (Trung Quốc) sang châu Âu giảm mạnh kể từ hồi tháng ba, do nhu cầu vận chuyển suy yếu. Trước khi nổ ra xung đột Ukraine, lượng hàng hóa vận chuyển trên cung đường này duy trì mức tăng trưởng ấn tượng 69% trong giai đoạn tháng 1 tới tháng 2/2022.

Nếu Nga hoàn toàn bị ngắt khỏi hành lang đường sắt chuyên chuyển hàng từ Trung Quốc sang châu Âu, tuyến đường vận tải hàng hóa sẽ phải kéo dài hơn, qua biển Caspi tới khu vực Caucasus trước khi vào châu Âu thông qua cửa ngõ Romania hoặc Bulgaria. Việc sắp sếp lại cung đường này sẽ làm đội giá thành vận tải, với nhiều thách thức phức tạp về logistics và cuối cùng sẽ khiến lượng hàng chung chuyển suy giảm – giới chuyên gia trong ngành vận tải nhìn nhận.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Ngành công nghiệp Đức có thể sụp đổ nếu không có khí đốt của Nga
Ngành công nghiệp Đức có thể sụp đổ nếu không có khí đốt của Nga

Người đứng đầu Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức cảnh báo ngành công nghiệp - trụ cột của nền kinh tế Đức - sẽ sụp đổ nếu Berlin quyết định áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN