Trung Quốc mạnh tay với tiền ảo, loạt trạm thuỷ điện được rao bán trên mạng

Chiến dịch trấn áp hoạt động khai thác tiền số của Trung Quốc đã buộc nhiều người đem rao bán các trạm thủy điện nhỏ trên sàn thương mại trực tuyến.

Chú thích ảnh
Trạm thủy điện quy mô nhỏ được rao bán trên nền tảng Xianyu. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), số lượng các tin quảng cáo về trạm thủy điện quy mô nhỏ với công suất 50 megawat trên Xianyu – nền tảng thương mại điện tử chuyên bán đồ cũ – đã tăng chóng mặt kể từ khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các hoạt động đào và giao dịch tiền ảo hồi tháng 5.

“Bạn có thể bí mật đào tiền ảo nếu như mua một trạm thủy điện”, một tài khoản rao bán trên trang thương mại điện tử Alibaba hứa hẹn. Trong khi đó, hai tài khoản khác thì khẳng định hàng hóa của mình không liên quan đến chiến dịch trấn áp hoạt động đào tiền ảo của chính phủ hiện nay. 

Trong thời gian qua, các trạm thủy điện quy mô nhỏ dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc vì chính phủ muốn điện khí hóa các vùng nông thôn khó tiếp cận điện lưới. Các quan chức ca ngợi những dự án thủy điện quy mô nhỏ này đem lại nhiều lợi ích đến cho người dân như giảm nghèo, bảo tồn năng lực và ngăn chặn ngập lụt.

Một trạm thủy điện với công suất 50 megawat được coi là nhỏ, đặc biệt là khi so sánh với các siêu dự án như đập Tam Hiệp với công suất lên tới 22.500 megawat. Theo số liệu của báo ngành China Energy News, các khu vực như Vành đai Kinh tế sông Dương Tử trải dài trên 9 tỉnh có trên 25.000 trạm thủy điện nhỏ tính đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, một vài trạm thủy điện do gây ra thiệt hại về mặt sinh thái nên đã được giới chức địa phương chỉ đạo cải tạo và đóng cửa. Khoảng 20.000 trạm thủy điện đã được yêu cầu sửa chữa trong năm 2020.

Một tài khoản rao bán trạm thủy điện trên mạng tiết lộ lý do khiến một số hệ thống chuyển sang hoạt động khai thác tiền ảo là vì những trạm đó "chưa được chính quyền và các cơ quan bảo vệ môi trường cho phép kết nối với lưới điện”.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt các chính sách liên quan đến ngành khai thác tiền số vào tháng 5 khi lo ngại các hoạt động ngành có thể gây tổn hại đến mục tiêu loại bỏ carbon. Trong những năm gần đây, các hoạt động khai thác tiền số không chỉ trở nên phổ biến tại khu vực giàu thủy điện như tỉnh Tứ Xuyên mà còn ở các khu vực khác có điện giá rẻ như Nội Mông và Tân Cương.

Bắc Kinh luôn thể hiện quan điểm cứng rắn đối với tiền điện tử, cho rằng chúng dễ bay hơi, đầu cơ và có khả năng gây bất ổn thị trường. Sau khi đạt giá trị gần 64.000 USD/bitcoin vào tháng 4/2021, đồng tiền này đã giảm mạnh và được giao dịch quanh mức 34.000 USD trong thời gian gần đây.

Trước chính sách siết chặt của Trung Quốc, nhiều thợ đào tiền ảo của nước này đã ngưng hoàn toàn hoạt động và lên kế hoạch chuyển tới Bắc Mỹ hoặc Trung Á.

Bảo Hà/Báo Tin tức
El Salvador định lấy năng lượng từ núi lửa để chạy máy tính ‘đào’ Bitcoin
El Salvador định lấy năng lượng từ núi lửa để chạy máy tính ‘đào’ Bitcoin

Sau khi trở thành quốc gia đầu tiên coi Bitcoin là tiền hợp pháp, El Salvador đã có động thái tiếp theo để khai thác loại tiền số này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN