Truyền thông Triều Tiên không đưa tin về việc rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều

Ngày 24/3, truyền thông Triều Tiên tiếp tục phản đối lập trường dè dặt của Hàn Quốc trong việc hướng tới hợp tác thiết thực với Bình Nhưỡng, đồng thời giữ im lặng ngày thứ 3 liên tiếp về việc đột ngột rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều.

Chú thích ảnh
Văn phòng Liên lạc liên Triều trong ngày khai trương tại thị trấn Kaesong của Triều Tiên ngày 14/9/2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Bình Nhưỡng, cùng với các kênh truyền thông của nhà nước như Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), báo Rodong Sinmun hay kênh truyền hình trung ương Triều Tiên đều giữ im lặng sau khi Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong mà không nêu bất kỳ lý do cụ thể nào.

Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên đã chỉ trích sự phối hợp giữa Seoul và Washington về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như kế hoạch của Seoul trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác liên Triều trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Trang tuyên truyền của Triều Tiên Uriminzokkiri đã ra đăng một bài bình luận, trong đó phản đối thái độ của Seoul đối với các dự án hợp tác với Triều Tiên. Trang mạng nêu rõ việc Chính phủ Hàn Quốc mong muốn hợp tác với Mỹ nhằm hướng tới việc thiết lập một cơ chế hòa bình và đạt được hợp tác liên Triều sẽ không mang lại kết quả.

Uriminzokkiri cũng đã chỉ trích Mỹ vì cố gắng cản trở các nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách tiếp tục tập trận chung với Hàn Quốc và gây trở ngại cho hợp tác kinh tế liên Triều.

Trong khi đó, tuần báo Tongil Sinbo tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên cũng đã cảnh báo kế hoạch của Seoul nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác liên Triều trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ chỉ châm ngòi cho "sự can thiệp không cần thiết từ các thế lực bên ngoài".

Tongil Sinbo cũng cho rằng kế hoạch của Hàn Quốc đi ngược lại tinh thần cơ bản của các thỏa thuận liên Triều gần đây. Tuần báo này nhận định các kế hoạch mới đây của Chính phủ Hàn Quốc làm trung gian cho đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều là "quá tự tin", khi mà Seoul không thể hành động mà không có được sự đồng ý của Mỹ.

Trước đó, ngày 22/3, Triều Tiên đã thông báo rút khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt ở thành phố biên giới Kaesong. Seoul sau đó đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng sớm quay lại để văn phòng này có thể tiếp tục hoạt động theo thỏa thuận của hai bên. Giới chức Nhà Xanh cũng cho biết Hàn Quốc vẫn đang duy trì đối thoại với Triều Tiên thông qua các kênh "khác nhau".

Các chuyên gia cho rằng bằng cách rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều, Triều Tiên dường như đang tăng cường áp lực ép Seoul đóng vai trò lớn hơn trong việc thuyết phục Mỹ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ hai rất được mong đợi diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc mà không đạt thỏa thuận vì hai bên không thu hẹp được sự khác biệt về phạm vi các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và sự nới lỏng trừng phạt của Washington.

Việc hội nghị không đạt được thỏa thuận là một đòn giáng mạnh vào Hàn Quốc, nước đang thúc đẩy các dự án xuyên biên giới để giữ Bình Nhưỡng trên con đường phi hạt nhân hóa.

Đặng Ánh (TTXVN)
Quan chức Triều Tiên tới Vladivostok sau khi thăm Moskva
Quan chức Triều Tiên tới Vladivostok sau khi thăm Moskva

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, một quan chức cấp cao Triều Tiên ngày 23/3 đã khởi hành đi thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga sau khi kết thúc chuyến thăm Moskva trong một động thái được cho là một phần chuẩn bị cho khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN