Với công nghệ truyền thống, Trung Quốc có thắng trong cuộc đua vắc-xin COVID-19?

Trung Quốc đang là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển vắc-xin ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) song cách tiếp cận của đội ngũ chuyên gia nước này hoàn toàn khác biệt với phương Tây.

Chú thích ảnh
Trung Quốc là quốc gia duy nhất phát triển vaccine dựa trên virus bất hoạt. Ảnh: GlobalTimes

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đang đặt niềm hy vọng vào phương pháp kỹ thuật đã được sử dụng và chứng minh tính hiệu quả trong hàng chục năm nay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 5 trong số 10 vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc là do các nhà khoa học nước này tự phát triển. Trung Quốc là quốc gia duy nhất đầu tư mọi tài nguyên để tận dụng những chủng virus bất hoạt  – một phương pháp trước đây được sử dụng để chế tạo ra một loạt vắc-xin ngừa các bệnh như viêm gan A, cúm và bại liệt.

Phương pháp này rất đơn giản, bao gồm công đoạn nuôi virus trong phòng thí nghiệm và sử dụng nhiệt hay hóa chất vô hiệu hóa khả năng nhân bản của virus. Khi loại vắc-xin đó được tiêm vào cơ thể người, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết những kháng nguyên có trong virus đó và sản sinh ra kháng thể để bảo vệ con người.

Trong khi đó, phần lớn giới khoa học phương Tây lại áp dụng các kỹ thuật mới. Một trong số đó là chế tạo vắc-xin axit nucleic dựa trên ADN virus biến đổi gen. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vắc-xin nào phát triển từ công nghệ này thử nghiệm trên người. Ứng viên tiềm năng nhất - vắc-xin mRNA của tập đoàn công nghệ sinh học Moderna, Mỹ dự kiến bước vào giai đoạn cuối cùng - thử nghiệm lâm sàng trên 30.000 người trong tháng 7 tới.

Một trong những lý do  khiến các nước phát triển không hứng thú với việc thử nghiệm vắc-xin bất hoạt là do hệ miễn dịch của con người chỉ có sức chịu đựng giới hạn. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lo sợ rủi ro cao khi cơ thể người có thể phản ứng bất lợi, vì chủng virus đưa vào sử dụng có thể chứa những kháng nguyên nguy hiểm.

Chuyên gia Stanley Alan Plotkin, người phát minh ra vắc-xin ngừa rubella và hiện là cố vấn cho WHO, cho biết “cần phải có dữ liệu an toàn và bằng chứng hiệu quả” khi cho ra đời bất kỳ loại vắc-xin bất hoạt nào ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Một nhân viên kỹ thuật tại phòng nghiên cứu của công ty sinh phẩm Sinovac tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, các nhà khoa học nhìn chung cũng nhất trí giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là thời điểm để phát hiện cơ thể con người và động vật phản ứng ra sao trước một vắc-xin tiềm năng.

Trong các báo cáo riêng rẽ xuất bản vào tháng 4 và tháng 5, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh phẩm Bắc Kinh và tập đoàn công nghệ tư nhân Sinovcac nghiên cứu hai ứng viên vắc-xin bất hoạt cho rằng không tìm thấy phản ứng phụ khi thử nghiệm trên loài khỉ. Họ cho biết đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đối với hai loại vắc-xin trên và đang tiến hành giai đoạn cuối cùng.

Helen Petousis-Harris – Phó Giáo sư chuyên về vắc-xin tại Đại học Auckland – nhận định sản xuất vắc-xin bất hoạt có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

“Một trong những ưu điểm của công nghệ truyền thống là có sẵn cơ sở sản xuất trên khắp thế giới có khả năng sản xuất và phân phối kiểu vắc-xin này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn phải cao vì phải phát triển virus trước khi vô hiệu hóa nó và đưa vào cơ thể người. Một điểm bất lợi khác là các nhà khoa học phải nuôi virus với số lượng lớn”.

Trung Quốc không chỉ tập trung vào mỗi vắc-xin bất hoạt. Hồi tháng 2, Bắc Kinh chỉ đạo các viện nghiên cứu và đơn vị nhà nước phát triển vắc-xin thông qua “5 công nghệ”, bao gồm vắc-xin bất hoạt, vắc-xin dựa trên công nghệ adenovirus vector, vắc-xin tổ hợp protein, vắc-xin dựa trên virus cúm suy yếu và vắc-xin axit nucleic.

Chiến lược của Chính phủ Trung Quốc là cho phép hàng chục phòng nghiên cứu cạnh tranh nhau phát triển vắc-xin rồi sau đó chọn công nghệ tốt nhất và nhanh nhất. Không nằm ngoài dự đoán, 4 ứng viên vắc-xin bất hoạt dẫn đầu cuộc đua về tốc độ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wang Zhigang cho biết Trung Quốc sẽ chế tạo ra loại vắc-xin ngừa COVID-19 phục vụ thế giới và các nhà khoa học không thấy có lý do gì mà vắc-xin bất hoạt do nước này chế tạo bị các nước khác từ chối, đặc biệt với dữ liệu đầy đủ khẳng định vắc-xin đảm bảo an toàn và tính hiệu quả.

Tao Lina, chuyên gia vắc-xin làm việc tại Thượng Hải, chia sẻ Trung Quốc đang theo đuổi cả 5 côgn nghệ vì không muốn rủi ro “đặt tất cả trứng vào một giỏ”. “Chứng kiến thiệt hại nặng nền do đại dịch gây ra, chúng tôi rất mong chờ có vắc-xin ngừa COVID-19. Vắc-xin bất hoạt là giải pháp có tiềm năng nhất”. 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Đức, Pháp, Italy và Hà Lan bảo đảm 300 triệu liều vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 cho EU
Đức, Pháp, Italy và Hà Lan bảo đảm 300 triệu liều vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 cho EU

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 13/6, Bộ Y tế liên bang Đức công bố nước này cùng với Pháp, Italy và Hà Lan đã ký hợp đồng đầu tiên với công ty dược phẩm AstraZeneca, nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN