Xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Mỹ vẫn chưa thể được gắn mác 'độc lập năng lượng'

Năm 2018, Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trên thế giới, vượt cả Saudi Arabia và Nga, và sẵn sàng xuất khẩu nguồn tài nguyên quốc gia cũng như các công nghệ liên quan ra toàn thế giới. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia đây chưa phải là dấu hiệu chắc chắn về một kỷ nguyên "độc lập năng lượng" đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Vì rốt cuộc, Mỹ vẫn là một quốc gia nhập khẩu năng lượng. Thêm nữa, so với một nhà xuất khẩu năng lượng thuần túy, ngành năng lượng Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu và sự lũng đoạn thị trường. Vì lẽ đó, kỷ nguyên "độc lập năng lượng" của Mỹ vẫn đang ở phía trước.  

Chú thích ảnh
Giàn khoan dầu ở cảng Aransas, Texas. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kể từ năm 2011, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực dầu thô ngọt nhẹ. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tháng 2 vừa qua ghi dấu lần đầu tiên trong vòng hai thập kỷ, sản lượng dầu thô của Mỹ vượt Saudi Arabia. Lần lượt trong các tháng 6 và 8/2018, đầu tiên kể từ tháng 2/1999, Mỹ vượt Nga trong lĩnh vực sản xuất quan trọng này. EIA dự đoán sản lượng dầu thô của Mỹ năm nay sẽ ở mức 10,7 triệu thùng/ngày, tăng mạnh so với mức 9,4 triệu thùng/ngày của năm 2017 và trong năm 2019, con số này có thể sẽ tăng lên mức trung bình là 11,5 triệu thùng/ngày. Với tốc độ này, EIA tin tưởng Mỹ sẽ tiếp tục vượt Nga và Saudi Arabia trong cả năm 2019 và duy trì vị thế quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trên thế giới.

EIA cho biết vào khoảng giữa năm 2014, tình trạng giá dầu giảm đã khiến các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm chi phí và tạm thời thu hẹp hoạt động khai thác dầu thô. Tuy nhiên, sau khi giá dầu thô bắt đầu tăng hồi đầu năm 2016 thì hoạt động đầu tư và sản xuất cũng nhộn nhịp trở lại trong những tháng cuối năm này. Sản lượng tăng cũng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dầu thô ở Mỹ năm 2018. Trong khoảng thời gian từ ngày 24/11 tới ngày 30/11, lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này xuất siêu dầu thô và các sản phẩm liên quan. EIA cũng dự báo xu hướng giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ sẽ kéo dài. Trong khi đó, hoạt động lọc dầu của Mỹ cũng đạt tới những mức kỷ lục mới, tăng trưởng vượt nhu cầu trong nước và giúp quốc gia này nâng sản lượng xuất khẩu.

Chuyên gia năng lượng Edward Hills từ Đại học Houston cho biết kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi khi giữ vị trí nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, giúp giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Tại hội nghị năng lượng thường niên tổ chức tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry  khẳng định quốc gia này muốn đảm bảo an ninh năng lượng trong lộ trình xây dựng nền kinh tế thịnh vượng với chiến lược "chủ nghĩa năng lượng thực dụng", giúp thúc đẩy các đột phá và công nghệ trong ngành này.

Theo ông, chiến lược này đã tạo ra một cuộc cách mạng năg lượng "kỳ diệu" tại Mỹ, đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ từ khoảng thời gian đen tối những năm 1970 của thế kỷ trước khi Mỹ bị các nước thuộc Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cấm vận và rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Bộ trưởng Perry khẳng định Mỹ không thiếu trữ lượng dầu mà chỉ thiếu đột phá. Nhờ những đột phá và thành tựu công nghệ, Mỹ đã phá bỏ định kiến về một quốc gia khan hiếm năng lượng và trở thành một quốc gia giàu năng lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng vẫn cho rằng dù việc vươn lên thành quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là một "điểm sáng" trong kinh tế Mỹ, nhưng xét toàn bộ thì đây chưa hẳn là một thành tựu lớn bởi trên thực tế dù không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất nước ngoài, nhưng Mỹ hiện vẫn là nước nhập khẩu năng lượng lớn trên thế giới. Chuyên gia Michael Maher (Mai-cơn Ma-hơ), từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng của Viện Chính sách thuộc Đại học Rice, cho rằng xét tổng quan Mỹ vẫn là quốc gia nhập khẩu dầu, nên diễn biến giá dầu vẫn có tác động trực tiếp tới thị trường dầu và khí đốt của quốc gia này. 

Một yếu tố nữa là do chi phí sản xuất dầu ở Mỹ vẫn cao hơn so với các quốc gia trong OPEC nên dù sản lượng sản xuất cao nhất thế giới thì Mỹ vẫn chưa thể là quốc gia có thể đóng vai trò thay đổi luật chơi. Năm 2018, giá dầu diễn biến khó lường khi có lúc tăng lên gần 80 USD/thùng nhưng gần đây lại giảm mạnh xuống 50 USD/thùng. Giá dầu giảm mạnh mang tin vui cho các lái xe nhưng lại phủ bóng lên ngành sản xuất dầu thô của Mỹ vốn phải tốn nhiều chi phí hơn vì khai thác chủ yếu từ những vùng đá phiến và vùng Vịnh Mexico được cho là "khó nhằn".

Theo các chuyên gia, chỉ khi OPEC và Nga cũng bắt tay để kéo giá dầu lên cao thì các nhà sản xuất của Mỹ mới có thể đảm bảo hoạt động và đủ lãi để duy trì sản xuất. Chính vì vậy, dù không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu từ Trung Đông nhưng cho tới nay lợi ích mà Mỹ có được từ sự phát triển ngành dầu mỏ quốc gia vẫn ít nhiều phụ thuộc vào sự ổn định tại khu vực này.

Lê Ánh (TTXVN)
'Kế sách' mới của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc
'Kế sách' mới của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Sự hợp tác của Mỹ và các đồng minh nhằm đối phó hoạt động gián điệp mạng Trung Quốc cho thấy phương pháp tiếp cận mới của Washington trong việc ngăn chặn tình trạng đánh cắp bí mật nhà nước và thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN