Ngôi vô địch Ngoại hạng - Minh chứng cho đầu tư đúng đắn của Manchester City

Manchester City đã chi tiêu rất nhiều. Nhưng thứ họ mang về không chỉ là các ngôi sao, là danh hiệu mà còn là nền tảng đầu tư đúng đắn cho những thành công tầm xa hơn nữa trong tương lai.

Chú thích ảnh
Man City bảo vệ thành công ngôi vô địch Ngoại hạng Anh. Ảnh: Eurosport

Manchester City đã có được danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh (Premier League) thứ 4 trong lịch sử câu lạc bộ. Tính từ 7 năm trước, khi Manchester City lần đầu vô địch Ngoại hạng Anh ở mùa giải 2011-2012, họ vẫn trung thành với nhận định khi đó là “cần cải tổ một cách toàn diện để phát triển CLB bóng đá”.

Một chiến dịch “thay đổi toàn diện” được hậu thuẫn bởi rất nhiều tiền. Trong 6 năm qua, Manchester City chi tiêu nhiều tới nỗi họ bị UEFA xử phạt không chỉ một lần vì vi phạm Luật công bằng tài chính. Họ bị điều tra về khoản chi 42 triệu bảng để mua về Eliaquim Mangala. Trong 2 năm đầu tiên dưới thời HLV Pep Guardiola, Man xanh chi tới 500 triệu bảng cho việc mua cầu thủ và biến khái niệm “hậu vệ trị giá 50 triệu bảng” thành một điều bình thường trên thị trường chuyển nhượng.

Chú thích ảnh
Ngay sau chiến thắng là một lễ ăn mừng ngay trên sân Etihad với sự tham gia của hàng ngàn cổ động viên. Ảnh: Reuters

Mua nhiều nhưng là những hợp đồng hiệu quả. Ở năm đầu tiên cầm quân, Guardiola ngay lập tức mang về danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh cho Manchester City sau khi chi tới 249 triệu bảng Anh. Ở mùa sau, khoản chi tiêu ít hơn mùa đầu nhưng nếu so sánh với các đội bóng như Fulham, Brighton, Everton, West Ham và Wolves cũng đầu tư đáng kể lên tới con số xấp xỉ 100 triệu bảng để rồi... xuống hạng hay ngấp nghé vị trí bét bảng xếp hạng thì rõ ràng ông thầy của Manchester City đã chuẩn bị một nền tảng vững chắc về nhân sự cho cuộc đua đường dài.

Ở vào thời điểm đầu mùa giải 2018-2019, West Ham trở thành đội bóng “chịu chơi” thứ 2 tại Ngoại hạng Anh, khi bỏ ra 82 triệu bảng để HLV Manuel Pellegrini tăng cường lực lượng. Tân binh Ngoại hạng Anh Fulham cũng gây ngạc nhiên lớn khi bỏ ra 67 triệu bảng để tăng cường lực lượng.

Trong khi đó, ở thành Manchester, lần vô địch thứ 4 của Man xanh khác hẳn những lần vô địch trước về mặt nhân sự. Với số điểm suýt soát kỷ lục 100 điểm mùa giải 2017-2018 là 98 điểm của mùa này, Manchester City không cần đến những hợp đồng đắt giá để Man City trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vương Premier League sau 10 năm, kể từ sau MU vô địch 3 mùa liên tiếp.

Chú thích ảnh
Riyad Mahrez là sự bổ sung có chiều sâu cho hàng tiền vệ. Ảnh: Reuters

Năm 2011-2012, mùa giải Man xanh vô địch lần đầu tiên, họ cần các hợp đồng đắt giá của Samir Nasri và đặc biệt là Sergio Aguero. Mùa giải 2013-2014 là các hợp đồng của Alvaro Negredo và đặc biệt là Fernandinho. Mùa giải trước 2017-2018 là các hợp đồng của Ederson và Kyle Walker.

Lần này thì không thế. Riyad Mahrez là bản hợp đồng đắt giá gần như duy nhất. Cầu thủ chuyển tới Man City từ Leicester với mức phí 61 triệu bảng. Tuy nhiên, cầu thủ người Algeria cũng thi đấu không quá ấn tượng trong đội hình Man City. 61 triệu bảng cho một cầu thủ chỉ để lấp đầy băng ghế dự bị (Mahez chỉ đá 1.339 phút), mức lương 120.000 bảng mỗi tuần, thỉnh thoảng được xoay vòng khi đá với mật độ cao. Đây là điều chỉ Man City mới làm được.

Rất nhiều cầu thủ đến Man City từ mùa trước như Gundogan, Stones, Gabriel Jesus hay Sane vẫn được trả lương cao để không ai nổi loạn khi thi đấu ít và phải ngồi dự bị quá lâu.

Trong khi đó, những tài năng như Raheem Sterling và Bernardo Silva được tận dụng triệt để trong một mùa giải tỏa sáng. Raheem Sterling chưa thể vượt 11 bàn thắng một mùa giải thì nay có mùa giải thành công liên tiếp với 23 bàn thắng ghi được trên mọi mặt trận.

Ngôi sao người Bồ Đào Nha Bernardo Silva trở thành cầu thủ được sử dụng nhiều nhất trong mùa giải đầu tiên thi đấu cho đội bóng nửa xanh thành Manchester. Pep Guardiola ca ngợi tiền vệ này là “Cầu thủ thi đấu tốt nhất của cả mùa giải chứ không chỉ của đội bóng Manchester City.” Tiền vệ người Bồ Đào Nha cũng chính là một trong ba người được đề cử "Cầu thủ hay nhất mùa" của Man City, bên cạnh Sergio Aguero và Raheem Sterling.

Chú thích ảnh
Aymeric Laporte giúp hàng thủ Man City trở nên chắc chắn. Ảnh: DM

Chiến lược đường dài của Man xanh còn thể hiện ở bản hợp đồng với Aymeric Laporte ở mùa chuyển nhượng tháng 1 vừa qua. Cập bến Man City với giá 57 triệu bảng, trung vệ này đang trở thành “con cưng” của HLV Pep Guardiola nhờ năng lực ban phát những đường chuyền cự phách và bền bỉ. Tỷ lệ chính xác trong 731 đường chuyền của Laporte lên tới 92,75%. Anh trở thành nhân tố tối quan trọng của Man City ở mùa giải này.

Hàng thủ của Man City giỏi thứ hai mùa này, khi chỉ thủng lưới nhiều hơn Liverpool 1 bàn. So với mùa trước, họ cho thấy tiến bộ khi thủng lưới ít hơn 4 bàn.

Ở lượt về mùa này, Man City giành 54 trên 57 điểm tối đa. Họ thắng 18 trận và chỉ thua Newcastle. Trong giai đoạn nước rút, đội quân của Guardiola thắng liền 14 trận, không cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp Liverpool cơ hội lật ngược tình thế.

Chú thích ảnh
Quang cảnh rực rỡ của bữa tiệc mừng chiến thắng của Man City. Ảnh: AP

Vinh quang của Man City có sự hậu thuẫn của sức mạnh đồng tiền, nhưng đồng tiền không phải là tất cả. Sự thay đổi nhanh chóng của bóng đá hiện đại đòi hỏi những nhà cầm quân, những nhà hoạch định chiến lược phải thông minh trong lựa chọn, quyết đoán trong tính toán. Manchester City cũng trượt mất nhiều mục tiêu sáng giá ở mùa giải cũ như Alexis Sanchez đầu quân cho đội chủ sân Old Trafford, Frenkie de Jong cho Ajax, Jorginho cho Chelsea...

Trải qua 2 mùa giải với tổng số điểm giành được tại Ngoại hạng Anh là 198 điểm (100 cho mùa giải 2017-2018 và 98 cho mùa giải 2018-2019), Manchester City ổn định phong độ ngay cả khi hợp đồng khủng Mendy hiếm khi được ra sân vì chấn thương, đội hình không có hậu vệ chuyên chạy cánh trái. Họ biến một đội hình bình thường, không đột biến thành bất thường: cầm bóng ở tổng số các trận đá đấu tới 65%, tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên tới 90%, dẫn đầu về số lượng đường chuyền trong một mùa giải với 25.000 đường chuyền so với kỷ mục được xác lập suốt một thập kỷ của Ngoại hạng Anh là 19.000 đường chuyền.

Chú thích ảnh
HLV Pep Guardiola và trợ lý của ông Mikel Arteta ăn mừng chức vô địch của đội bóng. Ảnh: Reuters

Trước Manchester City, chỉ có Chelsea của Mourinho vào giai đoạn 2004-2006 là có thể liên tiếp vượt qua mốc 90 điểm trong một mùa giải (95 điểm mùa giải 2004-2005, 91 điểm mùa giải 2005-2006).

Pep Guardiola ở Barcelona cũng từng lập kỷ lục ghi được 87 điểm (mùa giải 208-2009) rồi tiến lên 99 điểm (mùa giải 2009-2010), 96 điểm (2010-2011) và sau đó về nhì với 91 điểm (2011-2012).

Pep Guardiola đang đưa nước Anh tiến đến với bóng đá Tây Ban Nha: “Tiêu chuẩn chúng tôi tạo ra khiến mọi người hiểu một đội bóng hoàn toàn có thể giành lấy 100 điểm, hay dễ dàng có được những điểm số trên 90”. Sự cầu toàn của một huấn luyện viên khiến cả hệ thống của một Ngoại hạng Anh chuyển động. Điểm số này một vươn cao, sự cạnh tranh ngày một gay gắt và Ngoại hạng Anh ngày càng hấp dẫn. Đó chính là thành công của chiến lược tầm xa mà Manchester City gây dựng được.

Minh Đăng/Báo Tin tức
Champions League đo thành công của Pep Guardiola tại Manchester City
Champions League đo thành công của Pep Guardiola tại Manchester City

HLV Pep Guardiola tin rằng, những thành công của CLB Manchester City sẽ được đo đếm chính xác nhất bằng thành tích đạt được tại đấu trường hàng đầu châu Âu Champions League.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN