Park Hang-seo vs Sven-Goran Eriksson: Chạm trán ở World Cup, giờ là AFF Cup

Khi Philippines cùng Việt Nam bước vào trận lượt đi vòng bán kết AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo và Sven-Goran Eriksson một lần nữa có dịp đối đầu nhau, từ sau cuộc gặp trước thềm World Cup 2002.

Từ ngôi sao World Cup, họ đang là hai trong những nhà cầm quân được chú ý nhất AFF Cup 2018.

Chú thích ảnh
Sau 16 năm, Park Hang-seo và Eriksson lại chạm trán nhau.

16 năm và hai cuộc chiến

Ngày 21/5/2002, trên SVĐ Jeju World Cup, Hàn Quốc có trận giao hữu hòa 1-1 với đội tuyển Anh, trong cuộc thử nghiệm trước thềm World Cup đầu tiên mà châu Á tổ chức (Hàn Quốc – Nhật Bản). Người dẫn tuyển Anh là Sven-Goran Eriksson, trong khi “phù thủy” Guus Hiddink dẫn chủ nhà Hàn Quốc, với trợ lý Park Hang Seo. Có thể xem đó là cuộc đối đầu đầu tiên giữa hai người, khi ông Park được ví là cánh tay phải của HLV Hiddink, với ảnh hưởng lớn lên đội tuyển Hàn Quốc.

Ở World Cup 2002, Eriksson là một trong những ngôi sao trên băng ghế huấn luyện. Không chỉ do sức hút từ đội tuyển Anh, mà bản thân nhà cầm quân người Thụy Điển đã tạo được danh tiếng cho mình trong quá khứ. Ông từng đưa Benfica vào chung kết Cúp C1 năm 1990, nhưng thua Milan 0-1. Trước khi được FA mời về nắm “Tam sư”, Eriksson đưa Lazio đến với danh hiệu Scudetto 1999-2000, ở thời điểm Serie A là giải đấu hấp dẫn và có tính cạnh tranh nhất châu Âu. Đó là Scudetto gần nhất mà Lazio có được, và cũng là thứ hai trong lịch sử CLB.

Trong trận đấu thử nghiệm ngày 21/5/2002, Michael Owen mở tỷ số cho Anh, và Park Ji Sung gỡ hòa 1-1 cho Hàn Quốc ngay đầu hiệp 2. Sau trận đấu này, Eriksson đã bị một số tờ báo Anh chỉ trích là nhút nhát. Người Anh chờ đợi thứ bóng đá tấn công, nhưng Eriksson không làm được điều đó. Ngay cả khi trận đấu này không được FIFA công nhận chính thức, Eriksson cũng không thể triển khai thế trận tấn công.

Thực tế, vấn đề không phải Eriksson nhút nhát, khi tuyển Anh kết thúc trận đấu với 3 tiền đạo trên sân là Darius Vassell, Emile Heskey và Teddy Sheringham. “Tam sư” đã không thể tấn công, khi Hàn Quốc được Hiddink và người trợ lý Park triển khai thế trận rất tốt. Hàn Quốc đã cho thấy họ không kém Anh về năng lực chơi bóng, cũng như thể lực.

Sau cuộc chiến này, ở World Cup 2002, Anh của Eriksson vào tứ kết và thua Brazil, với siêu phẩm đá phạt của Ronaldinho. Trong khi đó, Hàn Quốc tận dụng lợi thế sân nhà để vào đến bán kết. Hiddink vốn đã nổi tiếng từ lâu, nhưng giải đấu này vẫn đưa ông tiến lên một tầm cao mới. Đồng thời, sau World Cup 2002, Park Hang-seo được xem như người hùng của Hàn Quốc, và ông chính thức bắt đầu sự nghiệp cầm quân chuyên nghiệp.

Park kém Eriksson 11 tuổi đời, trong khi tuổi nghề giữa họ là sự chênh lệch rất cao. Vị HLV 59 tuổi người Hàn Quốc có 16 năm làm việc chuyên nghiệp, trong khi tính đến nay Eriksson có 41 năm huấn luyện. Sự nghiệp của Park Hang-seo chủ yếu gắn liền với bóng đá Hàn Quốc, và gần đây mới dẫn Việt Nam. Ngược lại, ngoài Anh, Eriksson còn tham dự World Cup với Bờ Biển Ngà (2010). Trước khi được Philippines mời ký hợp đồng, Eriksson là ngôi sao ở giải chuyên nghiệp Trung Quốc, nơi ông từng có thời điểm nhận mức lương 15 triệu bảng.

Chủ nhật này, ở Bacolod, ông Park và Eriksson tái ngộ sau 16 năm, với nhiệm vụ của mỗi người là đưa đội tuyển của mình giành lợi thế trong cuộc chiến tìm vé chung kết AFF Cup 2018.

Một con đường, hai hướng đi

Về mặt cương vị, HLV Park Hang-seo và Eriksson đều đi xuống khi chọn Đông Nam Á làm điểm dừng cho sự nghiệp. ASEAN nằm trong những khu vực có nền bóng đá kém phát triển nhất thế giới. Đến giải đấu chính thức của khu vực còn thậm chí không được FIFA công nhận trong hệ thống của tổ chức này. Nhưng vị thế của Park chỉ đi xuống phần nào, còn Eriksson có thể xem là thảm họa. Từ địa vị hàng đầu thế giới, vị HLV 70 tuổi này không còn chỗ đứng ở giải Chinese Super League, và rồi ký hợp đồng 6 tháng với tuyển Philippines.

Cùng một con đường đến ASEAN, nhưng ông Park và Eriksson đi theo hai hướng khác nhau. Park Hang Seo rất thành công khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Chiến lược gia người Hàn Quốc trở thành một biểu tượng chiến thắng thực sự ở Việt Nam, sau thành tích ấn tượng của U23 ở giải châu Á đầu năm nay, và gần đây là ASIAD 2018 trên đất Indonesia. Những dấu ấn liên tiếp biến Park Hang Seo thành hiện tượng vượt ra ngoài bóng đá ở Việt Nam.

Nếu rời cương vị HLV trưởng Việt Nam, Park Hang-seo hoàn toàn có thể tìm được công việc tốt hơn – ít nhất là xét theo mức thu nhập. Đó có thể là công việc mới ở quê nhà, hoặc một nền bóng đá mạnh hơn. Trong hơn một năm dẫn Việt Nam, ông Park cho thấy sự thích ứng của bản thân với bóng đá hiện đại. Ở độ tuổi của ông, nhiều nhà cầm quân bị xem là lỗi thời. Park Hang-seo đặc biệt gây ấn tượng khi sử dụng các cầu thủ trẻ. Có đến 15 cầu thủ của ông trong độ tuổi được tham dự Olympic. Điều đó có nghĩa, Park đang xây dựng tương lai cho đội tuyển Việt Nam, và tạo nên một nền tảng vững chắc cho một ai đó sau này kế nhiệm ông.

Eriksson thì chưa được như thế. Thời gian Eriksson làm việc với Philippines không nhiều. Philippines hiện cũng không có được nền tảng trẻ tốt như Việt Nam. Chưa kể, chiến lược gia người Thụy Điển phụ thuộc rất nhiều vào người trợ lý Scott Cooper, từng làm việc cùng ông ở Leicester. Với một đội tuyển thay đổi 4 HLV trưởng trong vòng chưa đầy một năm, bản hợp đồng với Eriksson mang hình thức đánh bóng cho cả hai bên hơn là xây dựng tương lai lâu dài. Philippines tùy vào kết quả ở AFF Cup 2018, và sau là Asian Cup 2019 để tính đến việc có nên tiếp tục với Eriksson hay không. Như vậy, chính Philippines cũng không tin tưởng tuyệt đối vào lựa chọn của mình, nên chỉ ký hợp đồng thời vụ.

Dẫu sao, Eriksson - vốn rất bảo thủ - vẫn là một nhà cầm quân đẳng cấp. Trong những cuộc chiến mang tính knock-out, kinh nghiệm là điểm mạnh của Sven-Goran Eriksson.

 

Eriksson hơn mọi thứ so với Park Hang-seo

Bảng thành tích của Eriksson thực sự ấn tượng, khi ông có 1 lần vô địch Serie A, 3 chức vô địch Bồ Đào Nha, 2 UEFA Cup (hiện là Europa League), 1 Siêu Cúp châu Âu và 4 Cúp Italy. Ngoài ra, ông từng làm việc ở 7 nền bóng đá khác nhau trước khi đến Philippines.

Trong bản hợp đồng thời vụ, Eriksson nhận lương 80.000 USD mỗi tháng. Trong khi đó, Park Hang-seo chỉ có lương 22.000 USD/tháng. Ông chưa có danh hiệu chính thức nào, ngoại trừ HCĐ ASIAD 2002. Ngôi Á quân U23 châu Á hồi đầu năm nay chỉ là giải đấu trẻ. Park giành 31,2% số trận thắng trong sự nghiệp, ít hơn tỷ lệ chiến thắng 49,3% của đồng nghiệp người Thụy Điển.

Tuy nhiên, sự vượt trội của Eriksson không phải yếu tố quyết định đến hai cuộc chiến bán kết AFF Cup 2018.
 
Theo Thể thao & Văn hóa
Truyền thông Philippines chỉ ra những cầu thủ nguy hiểm nhất của Việt Nam
Truyền thông Philippines chỉ ra những cầu thủ nguy hiểm nhất của Việt Nam

Báo chí Philippines đã chỉ ra những cầu thủ nguy hiểm nhất trong đội hình Việt Nam trước trận Bán kết AFF Cup 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN