Chứng khoán châu Á khởi sắc sau tín hiệu tích cực về Brexit

Phiên giao dịch ngày 12/3, chứng khoán châu Á hầu hết đi lên, sau khi Ủy ban châu Ây (EC) nhất trí một số thay đổi trong thỏa thuận Brexit ngay trước thêm cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận "ly hôn" này, vốn đã làm suy yếu các thị trường tài chính trong thời gian qua.

Thông tin này cũng giúp đồng bảng Anh nối dài đà tăng từ phiên trước đó.

Chú thích ảnh
Bảng tỉ giá chứng khoán tại ngân hàng Hana, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,9%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 378,60 điểm (1,79%), lên 21.503,69 điểm, giữa bối cảnh những lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ đã bị đẩy lùi, nhường chỗ cho tâm lý hứng khởi của giới đầu tư trước thông tin Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit.

Cụ thể, ngày 11/3, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết đã nhận được đảm bảo từ EU về "các thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý" đối với dự thảo thỏa thuận Brexit và kêu gọi Hạ viện Anh ủng hộ văn kiện này nhằm tránh một cuộc ra đi trong hỗn loạn. Thông báo trên được đưa ra giữa lúc đồng hồ đếm ngược cho thấy chỉ còn 18 ngày là đến thời điểm chính thức "ly hôn" ngày 29/3 tới. Gói thay đổi gồm ba phần vừa đạt được nhằm giải quyết một điểm gai góc chính đối với các nghị sĩ Anh liên quan đến kế hoạch gọi là "chốt chặn" nhằm đảm bảo biên giới mở giữa Ireland (một thành viên EU) với Bắc Ireland (một tỉnh của Anh) trên hòn đảo này. 

Tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng tăng mạnh trong phiên này nhờ kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và báo cáo tích cực về doanh số bán lẻ của Mỹ. Chỉ số KOSPI tăng 19,08 điểm (0,89%), lên 2.157,18 điểm, mức tăng mạnh nhất theo ngày kể từ 20/2/2019. Sắc xanh cũng thống lĩnh các thị trường chứng khoán Singapore, Đài Bắc và Manila.

Tuy nhiên, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 lại để tuột mất đà tăng vào lúc mở cửa để hạ nhẹ 5,4 điểm (0,087%), xuống 6.174,80 điểm vào cuối phiên, chủ yếu do nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và tiêu dùng sụt giảm.

Không nằm ngoài xu hướng chung, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi lên, duy trì xu hướng tăng điểm sau khi chứng kiến mức giảm mạnh hồi cuối tuần trước nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng tăng cao khi giá dầu tăng. Khép lại phiên này, chỉ số Hang seng và Shanghai Composite lần lượt tiến 417,57 điểm (1,46%) và 33,32 điểm (1,1%), lên 28.920,87 điểm và 3.060,31 điểm.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 12/3, đồng bảng Anh tiếp tục xu hướng tăng từ phiên 11/3, trước khi các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker diễn ra. Đồng bảng tăng 0,4% so với đồng USD, lên 1,3205 USD/bảng Anh, nâng mức tăng của cả hai phiên lên 1,4%. Việc Anh và EU đạt được sự thống nhất về một số thay đổi trong thảo thuận Brexit đã đẩy lùi kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, qua đó giúp tạo thêm lòng tin cho các thị trường cổ phiếu. Trong khi đó, đồng euro cũng tăng 0,1%, lên 1,1258 USD/euro trong phiên này.

Minh Trang (TTXVN)
Thị trường chứng khoán châu Á 'kém sắc' trong phiên giao dịch đầu tuần
Thị trường chứng khoán châu Á 'kém sắc' trong phiên giao dịch đầu tuần

Số liệu việc làm không mấy khả quan của Mỹ trong tháng 2 là yếu tố khiến thị trường chứng khoán châu Á khởi động tuần mới khá ảm đạm. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang thận trọng trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh ngày 12/3 về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN