Có hợp lý khi các ‘ông lớn’ ngân hàng lại tăng phí rút thẻ?

Một số “ông lớn” ngân hàng như Viecombank, VietinBank, Agribank và BIDV vừa quyết định tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch khiến không ít người dân lo ngại về chi phí túi tiền phát sinh.

Theo biểu phí mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 của Vietcombank, phí rút tiền mặt tại ATM trong hệ thống của Vietcombank sẽ tăng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch, tương đương mức tăng 50%. Thay đổi này áp dụng cho cả các thẻ ghi nợ nội địa (Vietcombank Connect 24) và các thẻ ghi nợ quốc tế (MasterCard/ UnionPay/ Cashback Plues American Express/ Connect 24 Visa). Riêng thẻ Vietcombank Visa Platinum vẫn được miễn phú rút tiền tại ATM.

Khách hàng kỳ vọng chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao sau khi ngân hàng tăng phí giao dịch thẻ ATM.

Sau khi tăng phí rút tiền ATM, Vietcombank là 1 trong 4 ngân hàng lớn thu phí cao nhất trên thị trường hiện nay. Các ngân hàng khác như: ACB hiện thu phí 1.100 đồng/giao dịch, một số ngân hàng như: VPBank, MB, VIB, SHB, TPBank, Techcombank còn miễn phí khi rút tại các ATM cùng hệ thống.

Trước đó tháng 5/2018, những ngân hàng này cũng đã có kế hoạch tăng phí rút tiền nhưng vấp phải sự phản ứng của khá nhiều người. Ngày 9/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng tạm dừng tăng phí ATM.

Lý do được NHNN đưa ra: các ngân hàng cần mình bạch thông tin, giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng, để tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Ngân hàng cần tránh việc tăng phí mà khách hàng chưa hiểu rõ. Song song đó, các ngân hàng khi tăng phí phải đảm bảo dịch vụ tốt hơn.

“Thực tế mức trần là 3.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM nhưng các ngân hàng hầu hết vẫn là áp dụng mức phí 1.000 đồng/giao dịch nội mạng chứ chưa thu tới mức trần NHNN cho phép”, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam nói.

Theo lý giải của ông Tuấn, chi phí duy trì hoạt động của hệ thống ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu. Theo thông lệ quốc tế cũng như theo Thông tư 35 của NHNN có nêu rõ mọi loại phí bắt buộc, ví dụ phí phát hành hoặc thay đổi thẻ, phí thường niên hàng năm, phí sao kê, phí rút tiền mặt… Loại phí quy định theo Thông tư 35 là bắt buộc nhưng NHNN cũng quy định mức phí dao động từ 0 đồng cho đến một mức trần, ví dụ như 0-3.000 đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể tính toán trong khả năng của mình để áp dụng mức phí với khách hàng.

Một số ngân hàng thương mại cho rằng, việc tăng phí lúc này là thời điểm thích hợp. Trước đây, dù NHNN cho mức trần là 3.000 đồng/giao dịch nhưng cả một thời gian dài, các ngân hàng vẫn duy trì mức phí sau thuế là 1.100 đồng/lần. Mức thu phí hiện nay của ngân hàng vẫn không bù đắp được chi phí đầu tư, vận hành cột thẻ. Việc tăng phí đợt này không chỉ giúp ngân hàng duy trì đầu tư hệ thống và bù đắp một phần chi phí mà còn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng, tăng phí là quyền tự chủ của ngân hàng nhưng trong yêu cầu cạnh tranh, nếu tăng quá cao thì ngân hàng sẽ mất khách. Tùy từng ngân hàng sẽ căn cứ vào loại hình kinh doanh của mình để đưa ra biểu phí phù hợp và mang tính cạnh tranh rất cao; và khách hàng sẽ lựa chọn những ngân hàng có biểu phí phù hợp.

“Mức phí các dịch vụ ngân hàng luôn có xu hướng tăng. Vậy có phải cứ đầu tư vào một cây ATM bao nhiêu tiền thì bắt khách hàng phải chịu hết phí hay không?”, khách hàng N.Q.Dũng, ngõ 402- Bạch Mai, Hà Nội đặt câu hỏi.

Đề cập về con số 7.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM mà một số ngân hàng đưa ra để tính toán mức phí, ông Tuấn cho rằng, đây là số liệu đưa ra chỉ để cho khách hàng thấy được mức phí dịch vụ ngân hàng thu hiện vẫn còn rất thấp. Hệ thống thẻ phát hành chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa, lẽ ra mục đích là để thanh toán nhưng hầu hết hiện nay lại chỉ dùng để rút tiền. Như vậy, tuổi thọ của cây ATM bị rút đi nhiều so với các nước khác. Ngân hàng tính các chi phí bảo trì hệ thống, cung ứng tiền mặt cho các cây ATM. Các ngân hàng đều mong muốn thẻ dùng để giao dịch mua bán tăng lên thì các loại phí nói chung, nhất là phí rút tiền mặt sẽ giảm xuống.

"Với hệ thống thẻ phát hành hiện nay chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa. Mục tiêu là chúng ta khuyến khích khách hàng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ. Lẽ ra xu hướng dùng tiền mặt giảm đi thì mức phí rút tiền phải giảm đi. Tuy nhiên hiện lại đang bị ngược. Tất cả mua bán hàng hóa dịch vụ vẫn chi tiêu bằng tiền mặt nên người dân vẫn rút tiền mặt", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu mức phí mà các ngân hàng đang áp dụng không cao hơn mức trần quy định của NHNN thì là đúng nhưng với người dùng như vậy có hợp lý hay không?

Ông Hiếu cũng băn khoăn: “Hiện có nhiều loại phí không phù hợp như: Phí sao kê. Khách hàng đã gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng dùng tiền đó để cho vay và thu lãi thì sao lại thu phí của họ. Nếu ngoại mạng áp phí thì hợp lý. Các ngân hàng nên xem xét để loại bỏ những loại phí bất hợp lý này”.

Minh Phương/Báo Tin tức
Phòng, chống gian lận trong quy trình mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM
Phòng, chống gian lận trong quy trình mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 3804/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung phòng, chống gian lận trong quy trình mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN