Điều hành thị trường tài chính tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng

Nhiều động lực quan trọng cho sự tăng trưởng bứt phá, nhưng làm thế nào để tận dụng hiệu quả các lợi thế và cơ hội mà hội nhập kinh tế mang lại. Cùng với đó, yêu cầu về phát triển doanh nghiệp đi kèm với hoàn thiện thể chế… là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo kinh tế thường niên năm 2019 – Bứt phá từ những động lực tăng trưởng, do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp các Bộ, ngành tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 12/3.

Chú thích ảnh
Đồng tiền USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Triển vọng thị trường tài chính

Dự báo năm 2019, mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định dựa trên các yếu tố áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động; đồng USD suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá… Cụ thể, áp dụng tỷ giá có thể không quá lớn do những tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi so với dự báo. Còn về nguồn cung tiền, tín dụng cho nền kinh tế tăng ở mức thận trọng ở mức 12 – 14%. Bên cạnh đó, tăng trưởng tính dụng toàn hệ thống năm 2019 dự kiến kiểm soát ở mức hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.

Tuy độ mở của nền kinh tế lớn nhưng quy mô nền kinh tế lại nhỏ nên những biến động trên thị trường thế giới và nền kinh tế các nước lớn sẽ tác động đến kinh tế nội địa. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế tài chính, đòi hỏi hoàn thiện cải cách cơ chế chính sách theo chuẩn mực quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy ngành tài chính phát triển, nhưng cũng mang lại những rủi ro nhất định trong doanh nghiệp lẫn nhà nước. Đặc biệt, sự phát triển của thị trường tài chính ngân hàng trong bối cảnh phát triển xanh cần phải tính đến những giải pháp bền vững.

Để quản trị thị trường tài chính ngân hàng bền vững, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, năm 2019, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngân hàng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Đồng thời, thực hiện mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất ở các ngành ưu tiên. 

Việt Nam tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản trị các ngân hàng thương mại; trong đó, tập trung vào việc sớm áp dụng những chuẩn mực quản trị ngân hàng thương mại theo thông lệ quốc tế, đẩy nhanh tiến độ áp dụng Basell II (Phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó, đưa ra các nguyên tắc chung và chuẩn mực của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, được ban hành từ tháng 6/2004). Trên cơ sở đó, tăng cường biện pháp phòng và chống rủi ro mang tính liên ngành, giải pháp tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin nhưng đảm bảo phòng tránh được rủi ro. 

Hiện thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng Việt Nam thu hút sự quan tâm không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, doanh nghiệp mà ngay cả người dân về các vấn đề như quản trị minh bạch, hạn mức tín dụng, tăng vốn cho các ngân hàng thương mại… Đặc biệt, những yếu tố tác động từ bối cảnh thế giới và các chính sách phát triển của Việt Nam đến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước. 

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tạo cho Việt Nam một vị thế mới nhưng vẫn cần giải pháp đòn bẩy trong thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cũng như phát triển bền vững; trong đó, chú trọng tiếp cận với các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thông lệ quốc tế với lộ trình cụ thể và cam kết từ những đơn vị liên quan.

 Hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô

Thời gian qua, tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu đã giúp Việt Nam ngày càng hoàn thiện thể chế, tiến gần đến thông lệ quốc tế và đáp ứng các cam kết thị trường quốc tế. Trước cơ hội và thách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặt ra những đòi hỏi đáp ứng sự gia tăng cạnh tranh gay gắt trong thị trường thương mại tự do.

Các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỷ trọng cao trên tổng số thương mại với thế giới của Việt Nam qua từng năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác; trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Mỹ hay EU... 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặt tích cực của các FTA là thu hút đầu tư, kết nối giao thương, mở cửa thị trường, cải thiện năng suất lao động… thúc đẩy tăng nội lực lớn cho nền kinh tế nội địa. Đồng thời, nâng cao vị thế của Việt Nam trên nền kinh tế toàn cầu, từng bước được cộng đồng quốc tế công nhận trong vai trò đối tác kinh tế - chính trị quan trọng của nhiều quốc gia và khu vực. Từ đó, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu chỉ rõ, hiện tại Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng đề án đổi mới định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tạo môi trường đầu tu thuận lợi, cửa ngõ giao thương… Nhằm tạo sự đồng bộ, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nguồn nhân lực… để tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia thị trường thương mại tự do hiệu quả hơn.

Dự báo, nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng cao trong năm 2018 khó duy trì năm 2019 như tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, giá trị sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp, tăng xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa, du lịch, thị trường bất động sản… Trong số đó phải kể đến những điểm nghẽn về thế chế như đầu tư công, BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)… chưa được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng năm 2019.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhận xét, nhiều năm tới, bài toán vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế, cùng diễn biến phức tạp của nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Bởi vậy, sự điều hành chính sách kinh tế - tài chính của Chính phủ vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” là cả chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, trong 2 năm 2019 – 2020, nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm và bình quân cả 5 năm 2016 – 2020 tăng bình quân 6,75%.

Với những thuận lợi về kinh tế, vị thế chính trị, Việt Nam có thể coi là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện một loạt các nội dung liên quan như hoàn thiện thể chế, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… để đẩy nhanh khả năng tận dụng cơ hội đột phá phát triển kinh tế đất nước; đồng thời, tốc độ chuyển động và thay đổi của cơ chế chính sách nói chung, lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng nói riêng cần phù hợp với diễn biến của thị trường.

Mỹ Phương (TTXVN)
Agribank giữ vững vai trò chủ đạo trên thị trường tài chính nông thôn
Agribank giữ vững vai trò chủ đạo trên thị trường tài chính nông thôn

Agribank có mạng lưới giao dịch bao phủ khắp các huyện trên toàn quốc, gồm 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch cùng đội ngũ cán bộ hùng hậu, cộng với gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN