Đối phó tình trạng 'quảng cáo hàng thật nhưng giao hàng giả'

Lợi dụng đặc thù của thương mại điện tử (TMĐT) là người mua và người bán chỉ giao tiếp trên môi trường mạng nên có những kẻ xấu đưa lên mạng hình ảnh, thông tin của hàng thật để rao bán, nhưng khi khách nhận hàng thì có thể là hàng giả, hàng nhái.

Chú thích ảnh
Lực lượng Hải quan tập huấn kiểm tra tem rượu để phân biệt hàng thật- hàng giả. Ảnh: Thu Hằng

Hoạt động TMĐT ở Việt Nam những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT và các tổ chức có uy tín, ước tính TMĐT của Việt Nam năm 2017 tăng trên 25%, năm 2018 tăng hơn 30% so với năm trước. Tuy nhiên theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Vũ Hùng Sơn cho biết: Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức TMĐT để sản xuất và buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

“Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế, tạo cơ hội để thao túng hoạt động TMĐT ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới”, ông Sơn nói.

Khó khăn lớn nhất đối với các cơ quan chức năng là nhiều người bán online không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng, thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa thường được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian. Không chỉ vậy, các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hàng hóa, dịch vụ vi phạm chủ yếu là thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, phụ tùng ôtô, thời trang, hàng tiêu dùng, các dịch vụ thanh toán trong hoạt động TMĐT, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, đặt vé máy bay, tour du lịch, khách sạn, nhà hàng...

Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế nói: “Để lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cần xây dựng kế hoạch để đề ra nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương. Quá trình thực hiện kế hoạch dự kiến kéo dài trong khoảng 2 năm, sẽ không gây tác động xấu đến thị trường, không cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân”.

Theo ông Phạm Việt Hùng (Cục C03, Bộ Công an), để kiểm soát tình trạng lợi dụng hoạt động TMĐT gây thiệt hại về kinh tế, thất thu thuế, cần bổ sung trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan thuế với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cùng các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường nắm tình hình, chú trọng hơn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi dụng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên đại diện Bộ TT-TT cho rằng: Khó có thể yêu cầu các app (ứng dụng) nước ngoài lưu trữ và cung cấp dữ liệu người dùng. Với các app nước ngoài thì việc giao dịch, thanh toán hoàn toàn không liên quan tới Việt Nam. 

“Tuy nhiên, Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong năm 2019 dự kiến giao Bộ TT-TT phải ‘yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên mạng viễn thông, mạng internet tại lãnh thổ Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng’ là rất khó khăn. Trường hợp các app này có lưu trữ, liệu Việt Nam có yêu cầu được không?”, đại diện Bộ TT-TT nói. Trước mắt, phía Bộ TT-TT cũng mong muốn các bộ, ngành phối hợp quản lý việc mua bán, đăng ký sim thuê bao điện thoại vì số điện thoại hiện gắn chặt với thông tin cá nhân.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn (Bộ Công Thương), những tồn tại, hạn chế của TMĐT không phải chỉ Việt Nam gặp phải mà vấn vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, như ở châu Âu có tới 55% khách hàng nhận phải hàng giả khi đặt mua qua mạng.

Là cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT nhưng ông Tuấn cho hay một mình Bộ Công Thương không thể làm được nên cần đặt lên hàng đầu mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo ông Vũ Mạnh Cường (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), nếu có Kế hoạch cụ thể, sự phối hợp, đồng lòng của các bộ, ngành trong quản lý hoạt động TMĐT sẽ là tiền đề tạo điều kiện cho Tổng cục Thuế thực hiện tốt các biện pháp thu thuế. Điều quan trọng để có thể thu thuế được là phải có thông tin và mấu chốt là giao dịch qua ngân hàng – dấu vết để truy vết khi tiến hành thanh toán điện tử xuyên biên giới. Tính từ năm 2014 đến tháng 11/2017, các cơ quan thuế đã rà soát được số tiền rất lớn của hơn 17.000 người kinh doanh qua mạng bằng việc phối hợp với ngân hàng. 
Minh Phương/Báo Tin tức
Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử
Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử

“Xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử: Cơ hội với Amazon” là chủ đề Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức chiều 27/2, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN