Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần

Trong phiên giao dịch ngày 9/11, giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần và hướng tới mức giảm hàng tuần nhiều nhất kể từ tháng 8/2018, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, làm giảm nhu cầu đối với kim loại quý này.

Chú thích ảnh
Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần và hướng tới mức giảm hàng tuần nhiều nhất kể từ tháng 8/2018. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 14 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.219,7 USD/ounce, và có lúc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/11. Trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,4% và được giao dịch ở mức 1.219,8 USD/ounce.

Theo ông Peter Fung, người đứng đầu mảng giao dịch tại Wing Fung Precious Metals ở Hong Kong (Trung Quốc), vàng tiếp tục chịu tác động từ đồng USD mạnh lên. Ngoài ra, thông báo chính thức mới nhất của Fed cho biết thị trường lao động Mỹ đang tiếp tục "khỏe mạnh" và hoạt động kinh tế gia tăng mạnh, từ đó Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp kỳ này và không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ thay đổi lộ trình nâng lãi suất. Điều này đã làm cho nhu cầu đối với vàng giảm.

Fed đã tăng lãi suất ba lần trong năm nay và được kỳ vọng sẽ tăng tiếp lãi suất vào tháng 12 tới, bởi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao, lạm phát tăng và số lượng việc làm tăng vững ổn.

Cũng trong phiên này, trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,3% xuống 14,37 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim giảm 1% và được giao dịch ở mức 855,70 USD/ounce, mức giảm nhiều nhất kể từ cuối tháng 9/2018.

*Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á cũng đảo chiều đi xuống trong chiều 9/11, khi giới đầu tư tạm "dừng chân" sau một tuần giao dịch tích cực. 

Vào lúc đóng cửa phiên giao dịch 9/11, tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1% xuống 22.250,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải (Trung Quốc) khép phiên giảm 1,4% xuống còn 2.598,87 điểm, trong lúc chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong giảm 2,4% xuống còn 25.601,92 điểm vào lúc đóng cửa. 

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng giảm mạnh nhất trong bối cảnh giá dầu trên thị trường giảm 20% so với mức cao ghi nhận hồi đầu. Trong số những cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất có cổ phiếu CNOOC (Trung Quốc) giảm 4% tại thị trường Hong Kong, giá cổ phiếu Inpex niêm yết tại thị trường Tokyo giảm 3,9% và giá cổ phiếu Woodside Petroleum (Australia) giảm 1,3%. 

Phiên này, thị trường Sydney (Australia) giảm 0,1%, thị trường Singapore giảm 0,6%, thị trường Seoul giảm 0,3%. Còn các thị trường chứng khoán Manila và Jakarta đều giảm hơn 1%. 

Trong khi đó, tại châu Âu, các thị trường chứng khoán đều giảm điểm khi mở cửa phiên giao dịch 9/11 giữa bối cảnh giới đầu tư hướng chú ý vào lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ và giá dầu sụt giảm. Chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 0,6% xuống 7.100,07 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) giảm 0,3% xuống 11.493,32 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 0,6% xuống 5.103,43 điểm. 

Q.Chung - Anh Quân (Theo Reuters/AFP)
Giá vàng sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/11 sau cuộc họp của FED
Giá vàng sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/11 sau cuộc họp của FED

Sau cuộc họp hôm 8/11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), USD tăng mạnh đã góp phần làm suy yếu giá vàng trong phiên giao dịch ngày 9/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN