'Loạn' giá hồ tiêu vì doanh nghiệp Trung Quốc thao túng?

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), từ cuối tháng 7 đến nay, giá hồ tiêu trong nước có biểu hiện lên xuống bất thường, nhiều khả năng do doanh nghiệp Trung Quốc thao túng làm nhiễu loạn thị trường.

Thu hoạch hồ tiêu tại Hợp tác xã kiểu mới Lộc Phát (Xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Cụ thể, ngày 28/7/2017, giá tiêu xô trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện giá hồ tiêu vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.

Ông Trần Hữu Thắng, ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, giá hồ tiêu trong nước trong thời gian gần đây lên xuống một cách bất thường. Ngày 8/8, giá tiêu tại Đồng Nai ở mức 95.000 đồng/kg, tuy nhiên, cách đây khoảng 3-4 tuần, giá tiêu tụt dốc chỉ còn 75.000 đồng/kg. Chưa kể, có những ngày từ sáng đến chiều, giá tiêu trồi sụt với biên độ lớn, chênh lệch có khi lên đến 10.000 đồng/kg.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu, hiện tượng sốt ảo này là do có một nhóm thương lái Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu Việt Nam. Họ đến doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đặt mua với số lượng lớn, giá cả “không thành vấn đề” và yêu cầu làm hợp đồng. Sau đó, phía Trung Quốc hối thúc doanh nghiệp giao hàng trong thời gian nhanh nhất có thể. Bị áp lực thực hiện hợp đồng, một số doanh nghiệp phải gom hàng với giá cao hơn.

Trong thời gian đó, nhóm thương lái này lập tức toả đi các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý thấy lời tốt nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu khi điện thoại lại với họ thì tất cả đều “không liên lạc được”.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, những chiêu trò của thương lái Trung Quốc không mới, nhưng vì một số nông dân và doanh nghiệp “cả tin” nên vẫn bị họ lừa. Do đó, khi giao dịch với các thương nhân Trung Quốc phải rất cẩn trọng, nếu thấy có bất thường cần xem lại ngay.


Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vấn đề này rất khó “đong đếm” thiệt hại, tuy nhiên có thể gây nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp xuất khẩu, tác động xấu đến thị trường hồ tiêu Việt Nam. Do đó, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ các hội viên, VPA đã có cảnh báo đề nghị các doanh nghiệp hội viên cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp mua bán hạt tiêu của Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2017, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu của cả nước ước đạt 145.000 tấn, đạt giá trị 800 triệu USD, tăng 20,4% về khối lượng nhưng giảm 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.662,6 USD/tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2016.

H.Chung (TTXVN)
Cung vượt cầu, giá hồ tiêu giảm còn một nửa
Cung vượt cầu, giá hồ tiêu giảm còn một nửa

Giá hồ tiêu trên thị trường trong nước đang bất ngờ khựng lại, không còn thương lái săn đón như thời gian trước đã khiến cho nhiều nhà vườn lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN