Thách thức khi thu thuế hoạt động thương mại điện tử

Sự “bùng nổ” của hoạt động kinh doanh qua internet, mạng xã hội, thậm chí cả truyền hình trực tuyến đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan thuế. Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đề cập tới trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành trong việc quản lý thu thuế với loại hình kinh doanh này.

Chú thích ảnh
Chỉ cần một cú nhấp chuột là một đơn hàng online được hoàn thành. Nhưng việc thu thuế onlline vẫn khiến ngành thuế gặp nhiều khó khăn. Ảnh: MP

Lúng túng quản lý vì kinh doanh khác biệt

Chuyên gia tài chính, ThS Dương Tuấn Ngọc cho biết: Dự báo mấy năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức độ tăng trưởng TMĐT mạnh mẽ nhưng những đóng góp của lĩnh vực này cho ngân sách nhà nước (NSNN) hiện còn nhiều hạn chế. 

Nguyên nhân là do tính chất đặc thù của TMĐT khác với thương mại truyền thống như: Quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới; dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin…

“Mặc dù theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm nhưng những loại hình kinh doanh như: Tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên ứng dụng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử... đang khiến ngành thuế khó phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế”, ông Tuấn Ngọc nói.

Phía Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cũng băn khoăn: Làm thế nào để tránh tình trạng tận thu thuế; đồng thời thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến? Vấn đề đang chờ những người làm luật giải quyết!

Theo Vecom, cơ quan quản lý thuế phải đối mặt với thực tế là không thể thu thuế TMĐT bằng các giải pháp và công cụ truyền thống. Việc bổ sung vào Luật Quản lý thuế một chương về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, gồm quy định cơ quan thuế phải xây dựng được “Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử” là một trong những điều kiện cần để có thể tiến hành thu thuế kinh doanh trực tuyến.

Mọi biện pháp hành chính để áp đặt giao dịch không dùng tiền mặt là không khả thi. Do đó, sự phối hợp liên ngành để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan quản lý thu thuế.

Trách nhiệm cụ thể, sự đồng lòng của các bộ ngành

Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (Vtca) nói: “Trong quản lý thu thuế có 2 vấn đề đặt ra, thứ nhất là làm thế nào để nắm được doanh thu? thứ hai là cách thu thuế như thế nào? Để quản lý được doanh thu, cần phải có sự phối hợp với ngân hàng. Vì hiện nay,  người Việt Nam cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các trang web nước ngoài thường được thanh toán qua ngân hàng (cũng có trường hợp thanh toán tiền mặt, nhưng rất ít); hoặc đối với hoạt động bán hàng qua mạng (vatgia.com, amazon.com), việc thanh toán chủ yếu cũng qua ngân hàng. Vai trò của ngân hàng trong việc xác định các giao dịch, từ đó xác định nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT là rất quan trọng”.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Luật Quản lý thuế hiện chỉ quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng (cá nhân) khi người nộp thuế vi phạm, còn những trường hợp khác thì chưa có quy định. Do đó, việc đưa vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nội dung nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin khách hàng là rất cần thiết để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2019 hiện quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì Bộ Công thương là đơn vị quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có thể theo dõi lịch sử hoạt động của các trang web, cũng như các tài khoản mạng xã hội Facebook.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Bộ TT-TT, hiện có nhiều phần mềm kinh doanh TMĐT do các tổ chức, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước triển khai, chủ yếu phát hành qua AppStore (trên các máy điện thoại, máy tính của Apple sản xuất) và CH Play trên các máy điện thoại, máy tính cài đặt hệ điều hành Android.

Việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm này khá phức tạp, đòi hỏi nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp tham gia. Bên cạnh việc có thể tự đăng, gỡ bỏ quảng cáo, bán các mặt hàng gia dụng trên các trang do cá nhân quản lý, thì chủ hàng hóa có thể không tự giác hợp tác với cơ quan thuế. Chủ hàng có thể thỏa thuận với khách thanh toán tiền mặt thì cơ quan thuế cũng không quản lý được.

Kinh doanh qua mạng là ngành nghề có nguy cơ thất thu thuế cao
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa lên kế hoạch chống thất thu thuế đối với 15 ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế trong năm 2019. Trong đó, kinh doanh TMĐT hay có doanh thu từ các trang mạng luôn được ngành thuế "quan tâm đặc biệt" trong năm nay. Ngành thuế TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện đẩy mạnh kiểm tra thuế thu nhập cá nhân, nhất là cá nhân kinh doanh qua mạng hoặc có doanh thu từ Google và Facebook; đồng thời kiến nghị các ban, ngành liên quan hỗ trợ và cung cấp thông tin để phối hợp cùng ngành thuế thực hiện việc thu thuế đối với 15 ngành nghề có nguy cơ thất thu thuế này.
Minh Phương/Báo Tin tức
Doanh thu từ thương mại điện tử có thể đạt 15 tỷ USD vào năm 2020
Doanh thu từ thương mại điện tử có thể đạt 15 tỷ USD vào năm 2020

Được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới về thương mại điện tử, mỗi năm Việt Nam tăng trưởng bình quân 35% , nhanh hơn Nhật Bản 2,5 lần. Với đà phát triển mạnh mẽ này, nhiều ý kiến cho rằng tới năm 2020 doanh thu bán lẻ của lĩnh vực thương mại có thể đạt từ 13-15 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN