Thị trường bán lẻ Việt Nam - Bài 4: Sẽ có chỗ đứng nếu có chiến lược phù hợp

Việt Nam lọt vào danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn hàng đầu thế giới nên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khai thác thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập.

Một nét đáng chú ý là có 70% nhà bán lẻ ngoại đang tập trung vào mở rộng các cửa hàng tiện ích; trong đó, Thủ đô Hà Nội đang là thị trường rất cuốn hút các nhà đầu tư này.

Chú thích ảnh
Hiện nay, Hà Nội đã có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi trải rộng khắp từ các quận nội thành đến các huyện. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Liên kết tạo động lực phát triển

Hiện nay, Hà Nội đã có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi trải rộng khắp từ các quận nội thành đến các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn. Không chỉ có vậy, dự kiến từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 605 chợ; trong đó có 7 chợ đầu mối. 

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đang có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam do họ có tiềm lực tài chính lớn, bề dầy kinh nghiệm kinh doanh và khả năng làm việc chuyên nghiệp; trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, tài chính hạn chế.  

Khẳng định điều này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng gay go và khốc liệt hơn giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.

“Cạnh tranh đã diễn ra từ năm 2012 cho đến nay, với mức độ mạnh mẽ. Sự cạnh tranh này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng khiến các hệ thống bán lẻ phải nhìn lại mình để hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, bà Hậu cho biết. 

Liên quan đến việc sáp nhập giữa Fivimart với Vinmart, bà Hậu cho biết, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì việc sáp nhập với Vinmart sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Đó là tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như nâng tính "cọ sát" cho lực lượng nhân sự bởi sẽ được tôi luyện trong một môi trường có quy mô lớn hơn.

"Sau khi Fivimart hợp tác với Aeon không thành công, việc này là do hai bên có chiến lược không giống nhau, chúng tôi đã tìm đến doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Vingroup để có cùng chung một tiếng nói và làm thế nào để tất cả cùng có lợi bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, người lao động, khách hàng; đồng thời đảm bảo hàng hóa có giá cả cạnh, đảm bảo quy chuẩn về hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" bà Hậu cho biết thêm.

Theo bà Vũ Thị Hậu, hàng hóa trong siêu thị đạt được yếu tố chất lượng bởi phía Vingroup có nhiều thế mạnh trong kiểm tra chất lượng hàng hóa đầu vào, các phòng kiểm nghiệm có máy móc thiết bị rất tốt và tất cả đều hướng tới người tiêu dùng và hướng tới sự an toàn nhất.
 
PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dù nguồn vốn của doanh nghiệp Việt Nam ít hơn doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại năng động, linh hoạt và sáng tạo hơn. Bởi dù doanh nghiệp ngoại chiếm thế mạnh do tập trung đầu tư vào khu vực thành phố, trong khi thị trường nông thôn lại bỏ ngỏ và đây là cơ hội doanh nghiệp nội đầu tư khai thác. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ chủ yếu phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn trong khi khu vực nông thôn, miền núi còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có quy mô nhỏ, thiếu vắng hệ thống chợ đầu mối bán buôn.

Tuy nhiên, để tạo ra sức mạnh đòi hỏi các cơ sở bán lẻ phải có liên kết với cơ sở sản xuất đồng thời, phải xác định được doanh nghiệp đầu tàu của từng ngành, từng sản phẩm. Những doanh nghiệp này quyết định sự thành công của hệ thống, chuỗi cung ứng. Để làm được điều này Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình liên kết xây dựng chuỗi cung ứng - tiêu thụ.  

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng doanh nghiệp, từng bước chuyển hóa các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ tiểu thương thành cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại. Hàng hóa được đặt hàng các nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà nhập khẩu, qua đó xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ hàng hóa.

Khai thác tốt thị trường nông thôn 

Chú thích ảnh
Theo các chuyên gia, để ngành thương mại dịch vụ phát triển mạnh hơn nữa, rất cần sự liên kết chặt giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thực tế cho thấy, sau khi Nhà nước xã hội hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Đức, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đầu tư. Thế nhưng, doanh nghiệp ngoại chủ yếu đầu tư vào hạ tầng thương mại tại các thành phố lớn và không chú trọng địa bàn nông thôn trong khi nhu cầu tại khu vực này rất lớn. 

Theo các chuyên gia, để ngành thương mại dịch vụ phát triển mạnh hơn nữa, rất cần sự liên kết chặt giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối. Đồng thời Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi cung ứng, hình thành cửa hàng tiện lợi. 

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và tiếp tục phát triển thương hiệu Hapro ra các khu vực dân cư mới, khu vực ngoại thành; tập trung phát triển thị trường nông thôn, coi đây là khu vực thị trường chiến lược trong thời gian tới...

Tương tự, Saigon Co.op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Co.opmart, Co.opFood với quy mô vừa; tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn như đại siêu thị Co.opXtra, khu phức hợp Vivo City... 

Trước sức ép cạnh tranh từ phía doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội địa đã và đang đẩy mạnh đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, muốn giữ vững thị phần hàng gia dụng, doanh nghiệp phải nắm rõ thị hiếu người tiêu dùng.
 
Chẳng hạn với sản phẩm chảo, người Việt Nam lại thích sử dụng chảo nhiều công dụng trong quá trình chế biến thức ăn hơn là chỉ có một chức năng. Vì vậy, Sunhouse đã đầu tư sản xuất sản phẩm chảo chống dính phù hợp với nhiều chức năng sử dụng. Đến nay, sản phẩm chảo chống dính Sunhouse chiếm lĩnh tới 40 – 50% thị phần tại các siêu thị, ở nông thôn tới 60 – 70%.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhựa đã tận dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, qua đó tiếp cận công nghệ, mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Điển hình, Công ty Nhựa Song Long đã mạnh dạn thế chấp nhà xưởng vay tiền mua trang thiết bị, máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, từ đó tung ra hàng loạt sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, đã có hơn 500 mặt hàng mang nhãn hiệu Song Long được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, Lào và Trung Quốc.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Việt nếu xây dựng được chiến lược khai thác thị trường phù hợp thì dù có sự “đổ bộ” của các thương hiệu cao cấp trên thế giới, hàng Việt vẫn có thể giữ được chỗ đứng. Đặc biệt, khu vực nông thôn còn thiếu nhiều mặt hàng phù hợp thị hiếu và khả năng chi trả của người tiêu dùng. Vì vậy, việc chú trọng vào thị trường bình dân, khu vực nông thôn là một hướng đi tốt để khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt.

Bài cuối: Tạo lực hút với các nhà đầu tư ngoại

Nam Giang (TTXVN)
Thị trường bán lẻ Việt Nam - Bài 3: Tăng liên kết sẽ giảm trung gian
Thị trường bán lẻ Việt Nam - Bài 3: Tăng liên kết sẽ giảm trung gian

Mặc dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu nông sản trị giá hàng chục tỷ USD, nhưng lại đang trầy trật cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN