Trung Quốc vẫn dẫn đầu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2018 đạt 264.000 tấn với giá trị đạt 136 triệu USD.

Chú thích ảnh
Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 24% thị phần. Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia, Iraq, Philippines, Malaysia... 

Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 503 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo thơm/Jasmine xuất khẩu đạt cao nhất 575 USD/tấn, tiếp đến là gạo Japonica/gạo Nhật 526 USD/tấn, gạo 5% tấm bình quân của Việt Nam nửa đầu tháng 10/2018 đạt 410 USD/tấn, cao hơn của Ấn Độ 372 USD/tấn và tương đương Thái Lan 411 USD/tấn. 

Về chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (58% về lượng và 55% về giá trị), tiếp theo là gạo thơm/gạo Jasmine (chiếm 24% về lượng và 28% về giá trị) và gạo nếp (chiếm 13% về lượng và 12% về giá trị). 

Đáng chú ý là cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung bình và cao; giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. Hiện gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% tổng lượng gạo xuất khẩu. 

Thị trường xuất khẩu gạo thơm và gạo Jasmine lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu loại gạo này; Ghana là thị trường lớn thứ 2 với 21% thị phần. Thị trường gạo nếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực của Việt Nam, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo nếp.

Ngày 18/10 vừa qua, Phillipines đã đóng thầu (250.000 tấn) chỉ mua 47.000 tấn gạo; trong đó có 28.000 tấn từ Việt Nam. Cũng trong ngày 18/10, Ai Cập đã mở phiên đấu thầu nhập khẩu 25.000 tấn gạo đầu tiên trong năm 2018. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10 đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu được ký kết, như đơn hàng trị giá 2,5 triệu USD của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với khách hàng Mỹ và Malaysia.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dự báo giá lúa trong nước sẽ tiếp tục tăng do các doanh nghiệp thu mua thêm lúa gạo để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trong tháng 10/2018 và các đơn hàng có thể trúng thầu trong các đợt đấu thầu cuối năm.

Hiện các địa phương đã thu hoạch xong vụ Hè Thu. Một số địa phương bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông. Giá lúa Thu Đông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.

Theo hệ thống cung cấp giá địa phương, tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông giống IR50404 tăng 200 đồng/kg từ 5.100 đồng/kg lên mức 5.300 đồng/kg; lúa khô IR50404 ở mức 5.900 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, giá lúa khô OM 5451 bán buôn của Công ty Lương thực tỉnh ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg. Nhiều địa phương khác cũng có giá lúa gạo ổn định hoặc tăng nhẹ.

Bích Hồng (TTXVN)
Nghị định 107 'cởi trói' cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Nghị định 107 'cởi trói' cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Các quy định mới tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước, giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN