Uber, Grab tiếp tục gây tranh cãi kịch liệt

Mặc dù mới chỉ đang góp ý, nhưng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã nhận nhiều ý kiến tranh cãi do bị cho là tạo điều kiện thuận lợi cho Uber, Grab hoạt động. Các doanh nghiệp taxi truyền thống đề nghị cần coi Grab, Uber như một loại hình vận tải.

Hàng chục doanh nghiệp taxi cùng đại diện các Hiệp hội Taxi, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam... đã tham gia hội thảo “Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay (23/1) nhằm góp ý sửa nghị định thay thế Nghị định 86, “cởi trói” cho các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Câu chuyện Uber, Grab tiếp tục làm nóng diễn đàn khi các hãng taxi cho rằng, mình đang phải cạnh tranh không bình đẳng với Uber, Grab. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội dẫn chứng, các doanh nghiệp phải khám sức khỏe thường kỳ cho lái xe, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi các doanh nghiệp Uber, Grab thì không.



Đại diện hãng taxi Vinasun đề nghị Việt Nam làm theo tòa phán quyết châu Âu,
coi Uber là loại hình vận tải thay vì hãng công nghệ.

Ông Trương Đình Quý, Phó TGĐ hãng Taxi Vinasun cho biết, trong 3 năm (từ 2014 - 2016), Grab chỉ nộp thuế hơn 9 tỷ đồng trong khi Vinasun nộp 1.200 tỷ đồng. "Nếu chúng tôi mỗi ngày được giảm 1 tỷ đồng tiền thuế thì giá sẽ khác hẳn. Điều đó để nói, những quy định không rõ ràng khiến Grab, Uber né được 13 điều kiện kinh doanh như taxi và hàng loạt vấn đề quản lý khác", ông Trương Đình Quý khẳng định.

Các quy định tại dự thảo Nghị định cũng được đại diện nhiều doanh nghiệp cho là chưa giải quyết được những mâu thuẫn lâu nay giữa taxi truyền thống và Grab, Uber. Cụ thể là vẫn coi Grab, Uber như loại hình xe vận tải hợp đồng chứ không phải taxi.

Hiện cả nước có đến hơn 50.000 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ (tức là xe chạy cho Grab, Uber theo chương trình thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải). Các hãng taxi cho rằng điều này đã khiến taxi truyền thống ngày càng teo tóp. Ông Nguyễn Công Hùng cho biết hiện Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì con số 25.000 như 5 năm trước.

Cấp biển vàng để quản lý Uber, Grab?

Ông Nguyễn Công Hùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các địa phương dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm xe hợp đồng điện tử.

Nhiều ý kiến góp ý về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị sửa đổi các quy về việc niêm yết và quản lý chất lượng đối với loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh thí điểm, theo hướng: Phương tiện phải dán biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải với kích thước tối thiểu 20cm x 30cm trên hai cánh cửa xe; Trên nóc gắn hộp đèn có tên của đơn vị vận tải; Các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký với Sở Giao thông Vận tải nơi cấp phù hiệu để cấp, dán tem cho phương tiện tham gia thí điểm.

"Có thể gắn một loại biển số màu vàng cho các xe kinh doanh trên đường phố, giống như xe Nhà nước có biển số màu xanh, xe quân đội có màu đỏ… Biển số màu vàng sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong kiểm soát xe kinh doanh, tạo sự công bằng thực sự cho mọi loại xe", ông Hùng đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Để xây dựng được cơ chế quản lý đúng đắn cho từng loại hình kinh doanh vận tải ô tô thì phải xác định được bản chất vấn đề. Taxi truyền thống cho rằng loại hình vận tải theo hợp đồng cũng là một loại hình taxi, tại sao lại có cơ chế riêng. Nhưng các xe vận tải hợp đồng cũng có lý riêng vì trước khi đi khách hàng biết quãng đường đi, số tiền, người chở, phương tiện.

"Quan điểm của tôi là mỗi loại có sự khác biệt nhau nhưng cũng có những giao thoa chung. Ta tìm xem những giao thoa chung ở mức độ rất lớn thì liệt vào làm một, còn nếu giao thoa lớn thì nên tách biệt. Phải hiểu rõ bản chất vấn đề để xây dựng cơ chế quản lý", ông Long nói.

Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành ngày 10/9/2014. Sau hơn ba năm thực hiện, Nghị định đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bằng ô tô. Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
'Siết' xe Uber, Grab để đảm bảo công bằng với taxi truyền thống?
'Siết' xe Uber, Grab để đảm bảo công bằng với taxi truyền thống?

Xe sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua phần mềm gọi xe như Uber, Grab tới đây muốn hoạt động cũng phải niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) như xe taxi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN