Các thị trường hàng hóa đi xuống khi nhà đầu tư chờ biên bản cuộc họp của Fed

Giá vàng châu Á giảm trong phiên 21/5 do đồng USD mạnh lên.

Giá vàng châu Á rời khỏi mức cao kỷ lục

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bán tại Dublin, Ireland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Giá vàng châu Á giảm trong phiên 21/5 do đồng USD mạnh lên. Kim loại quý này đã rời khỏi mức cao kỷ lục đạt được trong phiên trước đó nhờ các yếu tố như kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ gia tăng và rủi ro địa chính trị thúc đẩy nhu cầu đầu tư an toàn.

Vàng giao ngay đã giảm 0,5% xuống 2.413,69 USD/ounce tính đến 12 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.440,49 USD/ounce phiên 20/5. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,9% xuống 2.417,10 USD/ounce.

Đồng USD đã tăng 0,1%, khiến vàng được giao dịch bằng đồng tiền này kém hấp dẫn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.

Lãi suất thấp và những bất ổn địa chính trị khiến vàng trở thành một khoản đầu tư ưa thích.

Nhà phân tích hàng hóa Soni Kumari của ngân hàng ANZ cho biết kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất bắt đầu từ năm nay đã tăng lên một chút nhờ số liệu lạm phát giảm được công bố trong tuần trước. Mặt khác, những rủi ro địa chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục mới.

Biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến công bố ngày 22/5 (theo giờ Mỹ) cùng với bình luận từ một loạt các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ được theo dõi chặt chẽ trong tuần này.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,4% xuống 31,38 USD/ounce sau khi chạm mức cao của hơn 11 năm trong phiên trước đó. Nhà phân tích Kumari cho biết bạc thường đi theo xu hướng của vàng. Các nhà đầu tư bị thu hút bởi bạc vì nó là một lựa chọn thay thế rẻ hơn cho vàng.

Giá bạch kim giảm 0,9% xuống 1.036,95 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2023 trong phiên trước đó. Giá palladium giảm 1,9% xuống 1.007,75 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, lúc 14 giờ 42 phút, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,6 - 90,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chứng khoán sụt giảm do hoạt động bán ra chốt lời

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 21/5 sau chuỗi ngày tăng điểm trước đó do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, cùng với lo ngại về sự gia tăng đột biến của giá hàng hóa.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 38.946,93 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,2% xuống 19.213,07 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 3.157,97 điểm.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Wellington, Jakarta, Bangkok và Manila cũng giao dịch trong vùng đỏ.

Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng vào biên bản cuộc họp chính sách tháng 5/2024 của Fed, với kỳ vọng có thể hiểu thêm về suy nghĩ của các quan chức khi họ xem xét ba báo cáo lạm phát vượt dự báo liên tiếp.

Tuy nhiên, điều đó diễn ra trước khi các số liệu của tuần trước cho thấy giá cả đang giảm bớt, làm dấy lên hy vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất vài lần trong năm nay, với một số dự đoán lần cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng Bảy hoặc tháng 11/2024.

Dù vậy, một số nhà hoạch định chính sách của Fed đã cảnh báo họ sẽ không vội vàng giảm lãi suất cho đến khi chắc chắn rằng chi phí vay mượn cao hơn đang phát huy tác dụng và lạm phát thực sự được kiểm soát.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,44 điểm (0,03%) xuống 1.277,14 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,72 điểm (0,30%) lên 243,29 điểm.

Giá dầu nới rộng đà tăng

Giá dầu châu Á nới rộng đà giảm trong phiên 21/5 do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát dai dẳng và lãi suất cao ở Mỹ sẽ gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp.

Khoảng 13 giờ giờ 13 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 57 xu Mỹ (0,68%) xuống 83,14 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 58 xu Mỹ (0,73%) xuống 79,22 USD/thùng.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều giảm gần 1% trong phiên 20/5 khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ đang chờ đợi thêm các dấu hiệu cho thấy lạm phát giảm tốc trước khi cân nhắc cắt giảm lãi suất.

Nhà phân tích Toshitaka Tazawa tại Fujitomi Securities nhận định lo ngại về nhu cầu suy yếu đã dẫn đến việc bán ra dầu thô khi khả năng Fed cắt giảm lãi suất trở nên xa vời.

Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson ngày 20/5 cho biết còn quá sớm để nói liệu sự giảm tốc của lạm phát có "kéo dài" hay không, trong khi Phó Chủ tịch Michael Barr cho biết chính sách thắt chặt lãi suất cần có thêm thời gian. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic,m cho biết "sẽ mất một thời gian" để Fed có thể tin tưởng sự giảm tốc của lạm phát là bền vững.

Nhìn chung, bình luận của các quan chức Fed cho thấy lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn dự kiến của thị trường. Điều này ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ vì chi phí vay mượn cao hơn sẽ hạn chế nguồn vốn, gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế và nhu cầu đối với dầu thô.

Mặt khác, thị trường dường như ít bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị tại hai nước sản xuất dầu mỏ lớn là Iran và Saudi Arabia.

Các nhà đầu tư hiện đang hướng sự chú ý vào nguồn cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+. Nhóm này dự kiến họp vào ngày 1/6 để thiết lập chính sách sản lượng, bao gồm việc có nên kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của một số thành viên hay không.

OPEC+ có thể kéo dài một phần thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện nếu nhu cầu không tăng.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters, AFP)
Giá vàng sáng 21/5 giảm nhẹ
Giá vàng sáng 21/5 giảm nhẹ

Dự kiến, sáng 21/5, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên thứ 8 đấu thầu vàng miếng SJC. Trên thị trường, giá vàng trong nước giảm nhẹ; trong khi giá vàng thế giới lập đỉnh mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN