Cận cảnh tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông lăn bánh chạy thử toàn tuyến

Sáng nay (20/9), 5 đoàn tàu tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử toàn tuyến dài hơn 13 km, qua 12 nhà ga. Thời gian chạy thử nghiệm theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng để căn chỉnh trước khi đưa vào khai thác thương mại trong quý I/2019.

Cận cảnh đoàn tàu vào Ga Yên Nghĩa và cảm nhận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Những ngày đầu, các đoàn tàu có thời gian giãn cách là 10 - 12 phút/chuyến, trong 3 - 6 tháng sẽ rút ngắn dần thời gian giãn cách theo thiết kế và đạt 5 phút/chuyến khi khai thác thương mại.

Hiện tại, toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành các hạng mục để phục vụ chạy thử. Các đơn vị thi công đang triển khai lắp đặt máy bán vé, kiểm soát vé tự động; điều khiển vận hành thử hệ thống điều hòa, thông gió, chỉnh sửa hệ thống chiếu sáng, thanh cuốn, thang máy…

Được biết, dự án này sẽ có gần 700 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường, vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác.

Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa tàu và 1 đầu máy, xuất phát từ điểm giao cắt phía nam đường Cát Linh và đường Giảng Võ (quận Đống Đa), chạy theo đường Hào Nam từ hướng Đông Bắc hướng về phía Tây Nam, đi qua Hồ Hoàng Cầu đến đường Láng. Sau đó chuyển hướng từ sông Tô Lịch về phía Nam, tại đường Nguyễn Trãi vòng qua sông Tô Lịch. Đoàn tàu chạy theo đường Nguyễn Trãi, chạy dọc đường Trần Phú, đường Quang Trung, vượt qua tuyến đường sắt phía Nam Hà Nội và kết thúc tại Ga Bến xe Hà Đông mới (quận Hà Đông).Cận cảnh hệ thống báo hiệu, chỉ dẫn, nội thất bên trong toa tàu.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, mỗi đoàn tàu chạy cách nhau 10 phút và vận hành qua hệ thống điều khiển tự động. Việc chạy thử sẽ diễn ra cả vào ban đêm, chạy có tải trọng, đảm bảo vận hành các nhà ga, biểu đồ chạy tàu, các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách…

Chú thích ảnh
Hệ thống lái.
Chú thích ảnh
Thiết bị đo tốc độ giúp trưởng tàu, phó tàu phụ trách an toàn trong việc giám sát tốc độ đoàn tàu được gắn trong khoang lái.
Chú thích ảnh
Hệ thống đường ray của Khu depot.

Trong quá trình chạy thử nghiệm, vận tốc tàu chạy tối đa là 65 km/giờ, tốc độ trung bình là 30 -35 km/giờ, tại mỗi ga, tàu sẽ dừng 1 phút.

Chú thích ảnh
Phòng điều khiển trung tâm tại Ga Văn Quán.

Trước đó, từ đầu tháng 8/2018, dự án được vận hành từng hạng mục như thông tin tín hiệu, thiết bị điện..., nhằm căn chỉnh cho từng chuyên ngành thiết bị được lắp đặt trên toàn tuyến. Trong thời gian chạy thử, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ tiếp tục tiến hành căn chỉnh hoàn thiện trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Cũng theo ông Vũ Hồng Phương, nội dung vận hành thử dự án thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, theo chu trình từ đơn giản đến phức tạp và tình huống như trong giai đoạn vận hành chính thức. Hoạt động và kết quả vận hành thử có sự giám sát, đánh giá của liên danh tư vấn độc lập Apave-Certifier-Tricc.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Dự án có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại Ga Cát Linh, điểm cuối tại Ga Yên Nghĩa. Tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, dự kiến tần suất khai thác 3 - 5 phút/chuyến. Dự án cung cấp 10.000 thẻ vé điện tử có giá trị sử dụng một lần hoặc nhiều lần. Tổng công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội đã đề xuất phương án giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông lên UBND TP Hà Nội, sau khi được phê duyệt sẽ có giá vé chính thức.

Cận cảnh hệ thống báo hiệu, chỉ dẫn, nội thất bên trong toa tàu.

Tiến Hiếu - Huy Hùng/Báo Tin tức
Yêu cầu tăng cường an ninh tại các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Yêu cầu tăng cường an ninh tại các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ngày 27/8, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản số 9397 yêu cầu Ban chấn chỉnh hoạt động của Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm để bảo đảm an ninh, an toàn dự án; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để tái diễn việc tự ý đưa cán bộ, công nhân viên của Tổng thầu và người thân lên tàu chạy thử như vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN