Cần sớm ổn định đời sống người dân tái định cư Thủy điện Sơn La

Đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện Dự án Thủy điện Sơn La, cuộc sống tại nơi ở mới của người dân tái định cư cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Để đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, trong những năm qua, công tác di dân, tái định cư luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo. Chính quyền các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn, đặc biệt nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La được thực hiện từ năm 2003. Quá trình thực hiện Dự án, tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đến ngày 15/4/2010, địa phương đã di chuyển an toàn 12.584 hộ với 58.337 nhân khẩu tại 169 bản của 17 xã thuộc ba huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép ở 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện Dự án, cuộc sống tại nơi ở mới của người dân tái định cư cơ bản ổn định, tuy vậy bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Ông Lò Văn Than, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh Sơn, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La) phản ánh: Năm 2008, gia đình ông cùng với 50 hộ khác từ quê cũ ở bản Ne, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai chuyển đến điểm tái định cư bản Quỳnh Sơn, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu.

Điểm tái định cư Phiêng Nèn 3, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Sau 10 năm trên quê hương mới, tuy đời sống bà con trong bản đã từng bước được ổn định, nhưng còn nhiều khó khăn, vất vả do thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt hàng ngày. Cùng với đó là các công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa của bản sau nhiều năm sử dụng nay đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.     

Chị Lò Thị Tâm ở bản Quỳnh Sơn chia sẻ, do thiếu nước sinh hoạt, nhiều năm nay, gia đình chị phải đi xa vài cây số - nơi có nguồn nước để tắm, giặt và lấy nước mang về dùng. Có hôm đông người, chị phải đợi đến tối mới lấy được nước mang về.   
   
Giống như nhiều điểm, khu tái định cư khác, hiện nay, hơn 40 hộ dân ở bản Noong Luông, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Điêu Chính Hoản, Trưởng bản Noong Luông thông tin: Sau 10 năm chuyển từ xã Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) đến định cư tại bản Noong Luông, đời sống của người dân đang gặp một số khó khăn, nhất là vấn đề nguồn nước sinh hoạt.

Bởi, nhiều năm nay đường ống dẫn nước từ khu chứa nước về bản xa cách 10km và hệ thống ống nước phải kéo dài, đi vòng qua nhiều ngọn núi nên đã xuống cấp hư hỏng nặng; đồng thời, nguồn nước ở đây cũng đang bị ô nhiễm. Cùng với đó là người dân trong bản đang thiếu đất để sản xuất và hệ thống đường, công trình, nhà văn hóa đã xuống cấp nhưng chưa được duy tu, sửa chữa. Do đó, bà con kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giúp đỡ nâng cấp lại hệ thống nước sinh hoạt, đường giao thông và bố trí thêm đất sản xuất để ổn định cuộc sống.   

Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Ban quản lý Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La cho biết: Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La là giai đoạn di chuyển các hộ tái định cư khỏi vùng ngập lòng hồ, mới bước đầu ổn định nhà ở tại nơi ở mới.

Cuộc sống của người dân tái định cư Thủy điện Sơn La hiện còn một số khó khăn như: sản xuất nông nghiệp còn manh mún, hiệu quả chưa cao; sản xuất chủ yếu trên điều kiện địa hình cao, độ dốc lớn, đất bạc màu; bà con chưa chuyển đổi được các cây trồng-vật nuôi có kinh tế cao, sản xuất theo hướng tự phát.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng tái định cư Thủy điện Sơn La tuy đã giảm dần qua từng năm nhưng vẫn còn cao. Qua thời gian khai thác sử dụng, một số công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt đối với các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng lớn đến điều kiện sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân vùng tái định cư...

"Nguyên nhân của những khó khăn trên là do phần lớn hộ dân tái định cư là đồng bào dân tộc thiểu số, còn chịu ảnh hưởng nhiều từ phong tục tập quán lâu đời. Mặt khác, diện tích đất bằng phẳng, đất tốt phù hợp với sản xuất nông nghiệp đã bị ngập bởi lòng hồ Thủy điện Sơn La; kinh phí để chuyển đổi sang các cây trồng - vật nuôi có kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và chế biến sản phẩm còn hạn hẹp. Hạ tầng ở các khu, điểm tái định cư sau hơn 15 năm khai thác sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp nhưng kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế, không được thường xuyên…", ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.   

Được biết, trước thực trạng trên, Ban quản lý Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La đã phối hợp với các bộ phận chuyên môn của các bộ, ngành Trung ương xây dựng, rà soát nội dung, danh mục và mức vốn đầu tư Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La từ năm 2013. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, đồng thời đáp ứng mục tiêu, chủ trương mà Đảng, Nhà nước đề ra là “đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ”, việc đầu tư Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La là rất quan trọng, cần thiết.

Nguyễn Cường - Hữu Quyết (TTXVN)
Lai Châu: Tìm giải pháp giúp người dân tái định cư xã Pa Khóa thoát nghèo
Lai Châu: Tìm giải pháp giúp người dân tái định cư xã Pa Khóa thoát nghèo

Do thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… nên cuộc sống của bà con ở 5 bản tái định cư của xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN