Chia sẻ kinh nghiệm liên thông chứng thực chữ ký số trong xây dựng Chính phủ điện tử

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Chính sách và giải pháp liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số" với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, chuyên gia từ các nước, vùng lãnh thổ đã phát triển mạnh ứng dụng chữ ký số như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: vov.vn

 

Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch của Chính phủ điện tử và giao dịch điện tử nói chung, việc xây dựng cơ chế xác thực điện tử an toàn là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn thông tin như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định: Sử dụng chữ ký số là một giải pháp xác thực điện tử an toàn được nhiều nước trên thế giới ứng dụng.

 

Hiện nay, Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Hơn 800.000 chứng thư số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử. Cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, tính đến thời điểm này, Chính phủ đã cấp hơn 60.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội.

 

Liên thông chứng thực chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các giao dịch, góp phần thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam, do đó thời gian qua Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam thời gian qua còn có hạn chế nhất định, đặc biệt là vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số...

 

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia cho biết: Hiện liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số tại Việt Nam đang được triển khai cả về khía cạnh kỹ thuật và pháp lý.

 

Theo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài: Vấn đề liên thông chứng thực chữ ký số được giải quyết ở nhiều nước trên thế giới theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, giải pháp được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào mô hình quản lý Nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình tổ chức, cấu trúc của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, thực tế sử dụng chữ ký số của người dân và các giải pháp cụ thể.

 

Liên thông chứng thực chữ ký số không chỉ tạo ra nguồn dữ liệu điện tử toàn dân phục vụ nhiều yêu cầu khác nhau, mà còn có tính xác thực cao, tăng tính minh bạch và giảm thời gian thực hiện dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

 

Ông Cho Hyun Woo, Trung tâm Chứng thực điện tử Hàn Quốc cho biết: Giải pháp chữ ký số quốc gia đang được áp dụng ở nhiều quốc gia. Tại Estonia, Phần Lan, toàn bộ dữ liệu người dân được điện tử hóa hay có thể hiểu mỗi người dân được cấp một chứng thư số cá nhân, giúp họ sử dụng dịch vụ công (từ giấy tờ, hồ sơ y tế, đăng ký lái xe...) tại bất cứ địa điểm nào ở trong nước mà không mất quá nhiều thời gian xác nhận. Ông Cho Hyun Woo chia sẻ: Việt Nam nên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác để chọn được giải pháp phù hợp...

 

Các ý kiến chia sẻ của chuyên gia tại hội thảo sẽ được các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông tham khảo, nghiên cứu, đề xuất cách thức giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

Ngọc Bích (TTXVN)
Việt Nam tìm hiểu mô hình Chính phủ điện tử của Hàn Quốc
Việt Nam tìm hiểu mô hình Chính phủ điện tử của Hàn Quốc

Sáng 25/5, trong khuôn khổ chuyến khảo sát về Chính phủ số và Dữ liệu mở gắn với cải cách hiện đại hóa hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại Hàn Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã có cuộc gặp, trao đổi và ký bản ghi nhớ (MoU) với Bộ trưởng Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc Kim Boo Kyum về hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN