Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam: Hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng tổ chức Hội​

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là mục tiêu xuyên suốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngay sau Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, tập trung đổi mới công tác chỉ đạo điều hành để nâng cao chất lượng tổ chức Hội và hướng về cơ sở để thu hút tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, phụ nữ. 

Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN những nội dung xoay quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thưa bà, xin bà cho biết trong năm qua, việc đổi mới công tác chỉ đạo điều hành để nâng cao chất lượng tổ chức Hội được thực hiện như nào?

Với phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn nhiệm kỳ 2022-2027, đây là cơ sở để các cấp Hội triển khai, vận dụng, cụ thể hóa phù hợp thực tiễn phong trào phụ nữ địa phương và các văn bản nghiệp vụ về công tác tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ.

Nhiều nội dung định hướng của Trung ương Hội đã được các cấp Hội vận dụng sáng tạo, hiện thực hóa sinh động và lan tỏa trong thực tiễn thông qua việc chủ động triển khai, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt. Căn cứ vào Hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội về đối tượng, phạm vi, nội dung, các biện pháp tổ chức phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố và đơn vị đã cụ thể hóa phong trào thi đua phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị. 

Sự đổi mới, sáng tạo của các cấp Hội càng được thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân và công tác Hội. Các cấp Hội phụ nữ, nhất là cấp cơ sở đã phát huy vai trò tiên phong hỗ trợ người dân và các lực lượng tuyến đầu với các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc trẻ em, thai phụ, duy trì các mô hình “Gian hàng 0 đồng”…. 

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội khởi xướng đã thu hút được sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân với hơn 16 nghìn trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do COVID-19 được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu, tổng số tiền, quà vận động trên 43 tỷ đồng, qua đó, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, truyền thống tương thân tương ái của con người Việt Nam với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Là năm đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh cán bộ Hội các cấp có nhiều sự biến động, thay đổi, Trung ương Hội đã tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội. Điểm mới đó là việc tập huấn triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức kết hợp 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến với số lượng đông đảo cán bộ Hội các cấp toàn quốc  tham gia với 4.000 điểm cầu, cho 60.000 cán bộ Hội từ Trung ương đến các cấp Hội trong cả nước. Năm 2022, Trung ương Hội đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ chuyên trách các cấp và các chi hội trưởng nhằm trang bị kiến thức và phương pháp để triển khai thực hiện các hoạt động Hội trong các năm tiếp theo.

Xin bà cho biết kết quả thu hút, tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên và chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, phụ nữ?

Xác định hội viên là nhân tố sống còn, tổ chức Hội là nhân tố chủ chốt, Hội tiếp tục thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, đa dạng hóa các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ; có các mô hình, hoạt động phù hợp với các nhóm phụ nữ đặc thù. Ở cấp Trung ương, Hội đã ký kết các chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam để tăng cường thu hút, tập hợp các đối tượng nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ thanh niên và phụ nữ cao tuổi tham gia hoạt động Hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và công nhận hội viên của các tổ chức thành viên là Hội nữ trí thức và Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ các tỉnh/thành ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức cùng cấp đồng thời chủ động, sáng tạo xây dựng các đề án, giải pháp tập hợp các đối tượng phụ nữ. 

Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, các cấp Hội đã tổ chức các hội thảo tìm giải pháp thu hút, tập hợp phụ nữ; tiếp tục duy trì, nhân rộng, xây dựng mới các mô hình hoạt động trên các lĩnh vực; linh hoạt, rà soát, củng cố và phát huy vai trò của hội viên nòng cốt dân tộc, tôn giáo trong triển khai thực hiện phong trào và công tác Hội, nhất là trong việc vận động, thu hút phụ nữ dân tộc, tôn giáo tham gia vào tổ chức Hội. 

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ "Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu phấn đấu", Trung ương Hội đã đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền các chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt năm 2022, Hội đã tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ để hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội các cấp bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước. 

Qua đối thoại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhấn mạnh Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống, an sinh xã hội của hội viên phụ nữ: đã vận động nguồn lực hỗ trợ thành lập mới 96 hợp tác xã, đạt 139%;  tín chấp cho hội viên, phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ do Hội quản lý đạt 105,36 tỷ đồng cho trên 2,4 triệu hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tổng số tiền hỗ trợ đạt 73 tỉ đồng, hỗ trợ 514 mô hình sinh kế (vượt kế hoạch 295%), 157 mái ấm tình thương, 77 công trình dân sinh, trao tặng tặng 41 bộ máy tính, hỗ trợ hơn 8400 con giống, hơn 18.000 cây giống, tặng hơn 30.000 suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo, hỗ trợ 929 hộ gia đình phụ nữ nghèo đạt "5 không 3 sạch".

Từ những kết quả đạt được, xin bà cho biết, trong năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung nào?

Với chủ đề của năm 2023, các cấp Hội sẽ chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp và cơ sở Hội; tổ chức hội thảo ở 3 khu vực về giải pháp nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở; xây dựng cẩm nang công tác Hội cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch và chi hội trưởng phụ nữ cấp cơ sở; sơ kết 3 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025 nhằm đánh giá kết quả, hạn chế và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả bồi dưỡng trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, coi trọng công tác nghiên cứu thực tiễn (nghiên cứu một số vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh trong giai đoạn 2023-2027 và đề xuất giải pháp); khảo sát, đánh giá việc thực hiện những chỉ đạo mới của nhiệm kỳ (phát triển hội viên danh dự); tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội; quan tâm khuyến khích đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở (tổ chức giao lưu Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở tiêu biểu toàn quốc năm 2023; đề cử và trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định cho cán bộ Hội các cấp)

Tôi tin rằng, những phương châm về công tác cán bộ, hội viên đã và đang được triển khai sẽ là tiền đề để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát triển bền vững, phát huy được vai trò, thế mạnh của mình trong việc chăm lo, bảo về quyền và lợi ích của hội viên, phụ nữ.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đỗ Bình (TTXVN)
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngày 6/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhân sự Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN