Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại các địa phương

Tiếp tục chương trình khảo sát tình hình ứng phó biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng, ngày 31/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã đi thực tế dọc tuyến đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, kiểm tra tình hình thi công bờ kè đê biển tại các điểm xung yếu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các hộ dân có nhà bị sạt lở được bố trí đến nơi ở mới tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, Bến Tre.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe các chuyên gia thuộc các lĩnh vực phòng chống lụt bão, tài nguyên môi trường báo cáo những tác động của biến đổi khí hậu làm nhiều dải rừng phòng hộ đê biển Gò Công bị tàn phá nặng nề. Không còn rừng bảo vệ, nhiều tuyến đê chắn sóng tại Gò Công và các vùng lân cận có nguy cơ sạt lở, mất trắng. Nước mặn xâm nhập sâu vào đến cống Xuân Hòa ở phía đông và huyện Cai Lậy ở phía tây tỉnh, gây khó khăn sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi việc thi công các công trình đê kè, thủy lợi trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế, Tiền Giang tiếp tục phải đối mặt với ảnh hưởng của bão biển và lũ lụt hàng năm. Gần đây nhất, trận lũ năm 2011 gây thiệt hại cho tỉnh hơn 538 tỷ đồng. Tiền Giang cũng là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông, gây thiệt hại về nhà cửa, vườn cây ăn trái, gây ách tắc giao thông.


Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã khảo sát kênh Chợ Gạo - tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối liền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Với lưu lượng gần 2.000 phương tiện thuyền bè qua lại vào những ngày cao điểm, kênh Chợ Gạo là trục giao thông thủy quan trọng, tiện lợi, giúp hàng hóa nông sản của nông dân miền Tây nhanh chóng tiếp cận thị trường thành phố, xuất khẩu đi các nước. Chủ tịch nước cũng đã đến thăm vườn thanh long của nông dân xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo; hỏi thăm bà con về tình hình chăm sóc và thu hoạch loại trái cây đặc sản từng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân Tiền Giang thời gian qua, khẳng định thương hiệu trái cây đặc sản mới bên cạnh những loại hoa quả truyền thống của vùng đất sông Tiền.


Trong phiên họp với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Chủ tịch nước đã gợi mở nhiều nội dung để lãnh đạo các ngành Trung ương và địa phương cùng trao đổi, đi đến thống nhất. Chủ tịch nước cho rằng, Tiền Giang đã triển khai đồng bộ nhiều phương án chống nước biển xâm thực, tái sinh rừng phòng hộ, diễn tập, đầu tư ngân sách xây dựng các công trình trọng điểm: đê bao, đập, cống, trồng rừng phòng hộ. Tất cả những nỗ lực đó đã giúp Tiền Giang dù nằm trong vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhưng vẫn đạt thành tựu khá ấn tượng về nông nghiệp.


Giải đáp những băn khoăn của nhiều đại biểu, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây hậu quả khó lường, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tác động của nước biển dâng là loại hình thiên tai đã được nhận diện từ nhiều năm trước. Đối mặt thực tế đang diễn ra, không chỉ nhà khoa học, người dân, mà cả hệ thống chính trị, xã hội cùng phải hành động tích cực, khẩn trương theo đúng chức năng của mình. Ứng phó chủ động, hạn chế hậu quả nước biển dâng, Tiền Giang càng có cơ hội phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Trước mắt, Tiền Giang cần rà soát hệ thống công trình phòng chống thiên tai. Những công trình thiết yếu, giữ vai trò bảo vệ cuộc sống dân sinh, cần được tập trung nhanh chóng gia công, thi công, khắc phục thiệt hại bằng nhiều nguồn lực. Trước nhu cầu về vốn cho những dự án chi phí lớn, Chủ tịch nước đề nghị, địa phương phân loại, điều chỉnh để khai thác nguồn lực xã hội theo hình thức công tư kết hợp. Theo Chủ tịch nước, nếu sử dụng không tiết kiệm, đúng mục đích, dù đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng cũng không giải được bài toán ứng phó biến đổi khí hậu. Tiền Giang nên tính toán để vừa đảm bảo sự vững bền và hiệu quả cho các công trình phòng chống thiên tai, vừa an toàn cho tài chính quốc gia. Chủ tịch nước nêu rõ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có chương trình tổng thể. Bên cạnh đó, Trung ương Đảng sẽ có Nghị quyết về lĩnh vực này, để mang lại động lực mới cho công cuộc phòng chống thiên tai.


Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 578. Chủ tịch nước cùng đoàn công tác cũng đã dâng hương, tại đền thờ hai vị anh hùng dân tộc quê hương Tiền Giang, tưởng nhớ tấm gương cứu dân hộ quốc của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định và Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.


* Trước đó, ngày 30/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi khảo sát thực tế tại tuyến đê biển Ba Tri (Bến Tre), kiểm tra hiệu quả khai thác và sử dụng các dự án công trình ngăn mặn, ngọt hóa, nghe lãnh đạo tỉnh và người dân tại các địa phương thuộc tỉnh Bến Tre phản ánh về những tác động của vấn đề nước biển dâng và công tác phòng chống của các địa phương.


Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre (có sự tham gia của các bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và cho rằng việc hạn chế tác động biến đổi khí hậu không phải bây giờ mới được thực hiện mà đã được triển khai mạnh trong thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng tình trạng xâm mặn hiện nay diễn biến nhanh hơn nhiều so với dự báo; đòi hỏi các bộ, ngành địa phương phải có giải pháp kịp thời. Chủ tịch nước lưu ý, đầu tư cho các công trình thủy lợi, giữ ngọt, tiêu úng cần gắn rà soát quy hoạch, lựa chọn công trình trọng điểm để đầu tư. Với những dự án có liên quan đến nguồn vốn nước ngoài, tỉnh cần khắc phục những tồn tại trong thủ tục, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tạo thủ tục thông thoáng để thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn.


Chủ tịch nước hoan nghênh tỉnh Bến Tre đã tập trung nỗ lực bằng cả hệ thống chính trị của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng; ghi nhận những cố gắng của Bến Tre trong việc nâng cấp hạ tầng, kết nối các tuyến giao thông huyết mạch, đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng ngăn cách với các địa phương bên ngoài. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong tổng thể kinh tế vùng, chắc chắn nông nghiệp vẫn là trọng điểm lâu dài của Bến Tre. Các cấp, ngành của tỉnh cần xác định rõ định hướng này, để lựa chọn các dự án đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp.


Quan tâm đến đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước đề nghị các địa phương quan tâm trợ giúp kịp thời cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng, gắn xóa đói giảm nghèo, nâng cấp hạ tầng nông thôn với xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên cạnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đê biển, hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, tỉnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo đối tượng chính sách, chuyển dịch kinh tế đúng hướng nhằm đưa Bến Tre có bước phát triển trong thời gian tới.


Trong chuyến thăm và làm việc tại Bến Tre, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Nhà máy nước Ba Lai - công trình cung cấp nước ngọt cho người dân xã Thạnh Trị (Bình Đại) các các vùng lân cận; thăm hỏi và tặng quà cho 5 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, thăm một số hộ dân có nhà bị sạt lở được bố trí tái định cư tại xã Tân Thiềng (Chợ Lách)…

Hoàng Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN