Chuyển biến mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII - Bài cuối: Tiếp tục bứt phá đi lên

Từ những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tỉnh Phú Thọ đã đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu; đồng thời đưa ra những giải pháp trọng tâm tạo bước đột phá mới trong công tác xây dựng đảng và phát triển kinh tế, xã hội.

Chú thích ảnh
Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có những “ốc đảo” chè - được ví như “Vịnh Hạ Long” của vùng Đất Tổ. Hiện nay, hơn 600ha trồng chè của Long Cốc được mở rộng theo hướng sản xuất công nghiệp với nhiều giống chè đặc sản. Ảnh minh họa: Trung Kiên/TTXVN

Gắn công tác xây dựng đảng với phát triển kinh tế, xã hội

Từ một tỉnh mới thoát nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ, chỉ sau 5 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, Phú Thọ đã vươn lên nằm trong “tốp” đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về trình độ phát triển.

Ông Hoàng Công Thủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết, ngay khi Nghị quyết Trung ương 4 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết. Đồng thời, cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chương trình hành đồng, kế hoạch chỉ đạo cụ thể phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị. Nhờ vậy đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc ngăn chăn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng được tăng cường; nhất là công tác tổ chức xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo; tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng nhiệm vụ được điều chỉnh phù hợp, sát với nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ được coi trọng.

Với những kết quả nổi bật trong triển khai Nghị quyết đã tạo tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; số hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm. Đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới có bước đột phá lớn. Đến nay toàn tỉnh đã có 116 xã đạt và 59 xã cơ bản đạt chuẩn; bình quân một xã đạt 15,5 tiêu chí; 4 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, những nhờ thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,09% (kế hoạch 6%); tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so năm 2020; tổng thu ngân sách đạt 7.506,9 tỷ đồng, tăng 3%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 19 xã (vượt 10 xã so với kế hoạch)…

Tiếp tục bứt phá đi lên

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Phú Thọ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng đảng và phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn lực phát triển kinh tế còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, tích luỹ để tái đầu tư còn chưa nhiều, để đưa kinh tế, xã hội tiếp tục bứt phá đi lên là bài toán khó đối với tỉnh. Một số cấp ủy còn chậm đổi mới phong cách, lề lối làm việc; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Một số cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, chưa thực sự tiên phong, gương mẫu; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế. Năng lực, trình độ của một số cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nội dung, chế độ sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ có nơi còn chậm được đổi mới.

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa quán triệt sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở đảng cũng như yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong công tác tự phê bình và phê bình vẫn còn tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, ngại đấu tranh. Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cụ thể, thiếu tính khả thi, chưa sát tình hình thực tế địa phương, đơn vị; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cấp ủy chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, giám sát có thời điểm chưa được coi trọng, thiếu quyết liệt; chưa xử lý kịp thời cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ông Hoàng Công Thủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết, để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và cấp ủy viên; triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, kiện toàn mô hình tổ chức cơ sở đảng gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong tự phê bình và phê bình, nhất là các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và các loại hình doanh nghiệp. Tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch, chuẩn bị tốt nhân sự cấp ủy cơ sở; tăng cường công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; nắm chắc tình hình tư tưởng của nhân dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Khi có nảy sinh tình huống phức tạp, nổi cộm cần có biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình ngay từ cơ sở; thực hiện tốt việc giải quyết đơn, thư phản ánh của nhân dân đối với tổ chức đảng, đảng viên.

Tỉnh quán triệt thực hiện nề nếp việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ đối thoại, tiếp xúc với đảng viên, nhân dân; thực hiện nghiêm túc, nề nếp việc phân công cấp ủy viên các cấp theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm “Cấp ủy tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; việc chấp hành nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng và tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên; thực hiện kỷ luật nghiêm minh, kịp thời ngay từ cơ sở đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Đào An-Tạ Toàn-Trung Kiên (TTXVN)
Chuyển biến mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII - Bài 3: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
Chuyển biến mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII - Bài 3: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đang là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng tại tỉnh Phú Thọ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN