Coi giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước

Sáng 18/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2019.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Lao động – Người có công và Xã hội năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả toàn diện, nhiều mặt rõ nét của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã góp phần quan trọng cùng Chính phủ hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2018. Trong đó, nhiều lĩnh vực có đóng góp trực tiếp, gián tiếp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhắc đến câu chuyện về đào tạo nhân lực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh: "Chúng ta đang nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố quan trọng đầu tiên phải có để thực hiện cuộc cách mạng này là phải có nguồn nhân lực tốt".

Theo Phó Thủ tướng, giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tốt, rất đáng mừng. Nhớ lại thời điểm năm 2013 - 2016, giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển sinh được khoảng 50-60%, tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối giáo dục nghề nghiệp đã đạt 100%. Năm 2018 đã vượt chỉ tiêu 5%. Nhìn số liệu qua từng năm có thể thấy, đây là tiến bộ vượt bậc. Phó Thủ tướng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tới đây cần làm tốt công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp, tiến tới triển khai tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn, do đó câu chuyện về đào tạo nhân lực là điểm nhấn quan trọng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung triển khai trong năm 2019 và trong những năm sắp tới. "Phải chuẩn bị lao động cho mình tốt để có thể đi làm việc ở những ngành nghề khó nhất và có được mức thu nhập cao nhất. Tới đây, có thể nghiên cứu thí điểm một vài mô hình kết nối lao động đi xuất khẩu về nước với thu hút đầu tư", Phó Thủ tướng nói.

Cùng với nhiệm vụ đào tào nhân lực, Phó Thủ tướng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai các nhiệm vụ công tác của ngành trong năm 2019, phấn đấu làm sao để kết quả năm 2019 cao hơn năm 2018.

Năm 2019, kiên định với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả", toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, kiên trì, quyết liệt thực hiện. 

Ngành phấn đấu đạt mục tiêu đề ra: Tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội". Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo nghèo giảm 4%...

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ Lao động – Người có công và Xã hội năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.

Năm 2018, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo một bước tiến mới so với năm 2017, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhiệm vụ của ngành đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2017. Trong công tác giáo dục nghề nghiệp, ước tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người (đạt 100,5% kế hoạch). Ước khoảng 1,648 triệu người được tạo việc làm (đạt 103,1% kế hoạch); trong đó, 1,506 triệu người có việc làm trong nước; trên 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cao nhất từ trước đến nay. Ngành triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, cả nước có 14,724 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. 

Ước cuối năm 2018, 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Tổng hợp sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương cho thấy, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm trên 5% so với cuối năm 2017). Ước 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 83% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng; 88% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em... 

Ngành đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; cắt giảm 60 điều kiện kinh doanh, đạt 56,07% (60/107 điều kiện); cắt giảm và đơn giản hóa 19/32 sản phẩm hàng hóa, đạt 59,37% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao).

Tuy nhiên, các đại biểu dự hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác lao động, thương binh và xã hội. Cụ thể, việc kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững; vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận, để hưởng chế độ, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội gây dư luận không tốt trong xã hội...

Phúc Hằng (TTXVN)
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm nguồn nhân lực từ Việt Nam
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm nguồn nhân lực từ Việt Nam

Trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến tuyển dụng nhân lực, chương trình giao lưu lần thứ 8 giữa doanh nghiệp tỉnh Aichi với các sinh viên quốc tế đã được tổ chức tại Đại học Nagoya cuối tuần qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN