Đại biểu Quốc hội: Cần đánh giá thực chất, động viên tinh thần người lao động

Nếu không đánh giá đúng thực tế mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức; còn nể nang, bè cánh, “lợi ích nhóm” thì vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Tại Hội nghị phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: Thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp; phong cách giao tiếp, ứng xử có tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa thực chất. Một bộ phận cán bộ, công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới...

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Trần Thị Quốc Khánh trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: V.T

Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết: Những ý kiến của Thủ tướng nêu ra cũng được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến: Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không hoàn thành nhiệm vụ, liệu có nên áp dụng hình thức sa thải?

“Nhưng cũng cần có những chế tài ràng buộc để không sa thải một cách vô tội vạ, sau khi sa thải người này lại tuyển dụng người khác sẽ phát sinh những hệ lụy, tiêu cực. Điều đó là rất đáng lo ngại”, ông Bùi Văn Xuyền nói.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, có thể khắc phục được việc này bằng cách đánh giá thực chất người lao động, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Điểm yếu nhất hiện nay của một số cơ quan nhà nước là không làm tốt công tác đánh giá. Thực tế có những người không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không đánh giá được họ không hoàn thành ở mức nào. Tâm lý nể nang, bè cánh đã không loại được các cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, làm việc thiếu trách nhiệm… gây ra những bế tắc trong công tác xử lý.

“Những người không hoàn thành nhiệm vụ, thay vì loại bỏ thì cơ quan lại ký hợp đồng lao động lại, cái đó là không hợp lý. Cho nên phải làm tốt công tác đánh giá”, ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

Còn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nôi, Trần Thị Quốc Khánh lại cho rằng: Cũng cần nhìn nhận, tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có những lao động đến cơ quan có tư tưởng làm việc hời hợt kiểu “làm thuê”, hết giờ thì về. Là bởi, ở một số đơn vị trong nội bộ có vấn đề. Người đứng đầu chỉ quan tâm lợi ích nhóm, chỉ vun vén bè cánh của mình; chưa quan tâm tới những người làm việc tâm huyết thực sự, từ đó dẫn đến việc người lao động phát sinh tâm tư chán nản.  

“Ai đi làm cũng đều mang tâm huyết của mình dốc sức cho công việc, nhưng họ bị cô lâp, không được động viên kịp thời nên sinh ra chán nản. Cho nên cần phải chấn chỉnh lề lối làm việc, nêu cao vai trò, trách nhiệm, người đứng đầu phải gương mẫu”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, người đứng đầu cơ quan thì nói phải đi đôi với làm, khích lệ, động viên người lao động để họ phát huy tình thần cống hiến, có trách nhiêm với công việc. Không thể cứ hô hào chung chung.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh phong trào "cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" cần dựa trên 3 trụ cột.

Đầu tiên là xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở. Mỗi cán bộ, công chức phải có niềm tin vững chắc vào giá trị văn hóa mà cơ quan, công sở của mình theo đuổi. "Niềm tin đó thường chỉ có được khi chúng ta thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào. Nếu gương mà bẩn thì mặt người soi nhìn cũng không hay ho gì", Thủ tướng nói.

Trụ cột tiếp theo là kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Không thể xây dựng công sở văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu chuẩn mực, nội bộ căng thẳng, soi xét, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến. Thay vào đó, môi trường công sở phải thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, khơi nguồn cảm hứng cho sáng tạo và cống hiến. Môi trường công sở được ví như một xã hội thu nhỏ, ở đó, hành xử có sự tương tác của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí và những giá trị nơi công sở.

“Trong môi trường đó, mỗi cán bộ, công chức là những con người có trái tim, có cảm xúc, có trí tuệ, có bản lĩnh chứ không phải là những cỗ máy - robot, máy móc, bàng quan, vô cảm. Do đó, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến”, Thủ tướng chia sẻ.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội: Quá trình điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em rất khó khăn
Đại biểu Quốc hội: Quá trình điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em rất khó khăn

Tội danh dâm ô với trẻ em đã được quy định trong Bộ Luật hình sự nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải làm rõ trong những trường hợp cụ thể. Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN