Đồng chí Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Tư pháp về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sáng 6/4, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn Giám sát với Bộ Tư pháp.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong kỳ báo cáo, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng đơn thư nhiều, tính chất phức tạp, có xu hướng tăng. Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu tập trung vào các vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, giá trị thi hành lớn.

Các thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Tư pháp. Các nội dung báo cáo cơ bản đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn Giám sát. Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2021; cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất kiến nghị các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Các đại biểu cho rằng, công tác tiếp công dân được Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện tốt, đúng theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, số lượt tiếp công dân và vụ việc thụ lý qua tiếp công dân có xu hướng giảm, mặc dù không nhiều (trừ năm 2021 giảm sâu, giảm 16,87% số lượt tiếp và 14,34% số vụ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19), nhưng đã cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, số liệu chưa phân tích, làm rõ kết quả chấp hành quy định của pháp luật về tiếp công dân của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị (Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự); chưa đánh giá hiệu quả của người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân so với công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ này. Các đại biểu đề nghị, Báo cáo bổ sung phân tích, làm rõ nội dung này; đồng thời làm rõ những phát sinh khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu.

Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo của Bộ Tư pháp chủ yếu tập trung vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống thi hành án dân sự mà chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung của Bộ Tư pháp.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, qua báo cáo cho thấy, đơn tố cáo tăng mạnh (từ hơn 1.500 đơn trong thời gian 1/7/2016 - 1/7/2017 lên trên 2.600 đơn trong thời gian 1/7/2020 - 1/7/2021, tăng 70,8%). Các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ lý do, nguyên nhân của việc tăng đơn thư tố cáo trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; làm rõ những nguyên nhân từ vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, nguyên nhân do công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Bộ Tư pháp đã tích cực chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, công phu, bám sát mục tiêu, yêu cầu của đề cương giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” là giám sát ở tầm vĩ mô, cả về chính trị, quản lý xã hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm. Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Thời gian tới, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao ở nhiều địa phương, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự, hành chính sẽ tăng lên.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đoàn Giám sát để hoàn thiện và gửi báo cáo tới Đoàn trong thời gian sớm nhất.

Gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo cần tiếp tục làm rõ kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cơ sở hệ thống số liệu trung thực, khách quan, để rút ra nhận định, đánh giá chính xác, bảo đảm tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm.

Từ thực tiễn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp làm rõ vấn đề chung cũng như vấn đề riêng có trong công tác này của Bộ nhất là tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp, làm rõ nguyên nhân, đề xuất phương hướng, giải pháp trong thời gian tới…

Phan Phương (TTXVN)
Bộ Tư pháp chia sẻ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Bộ Tư pháp chia sẻ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19

Trong hai ngày (9-10/8), Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang, Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Kiên Giang thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trao 500 triệu đồng cho các huyện Vĩnh Thuận (150 triệu đồng), U Minh Thượng (50 triệu đồng), An Minh (100 triệu đồng), An Biên (100 triệu đồng), Châu Thành (100 triệu đồng) thuộc tỉnh Kiên Giang, nhằm chia sẻ, giúp đỡ với người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN