Hướng dẫn để người dân nhận được cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Quy hoạch, hướng dẫn xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng sạt lở; việc tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động, là những vấn đề được báo giới quan tâm tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, diễn ra chiều tối 30/10.

Lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Chú thích ảnh
Thứ trưởng bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Liên quan đến tình hình mưa lũ, sạt lở đất xảy ra rất nghiêm trọng tại miền Trung, báo chí đề cập đến việc năm 2017 đã xảy ra tình trạng này và cũng đã có nhiều cảnh báo được đưa ra. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về công tác phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan rà soát, xem xét lại vấn đề quy hoạch cũng như hướng dẫn xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng lũ lụt, sạt lở. Hiện nay, việc này thực hiện đến đâu, có bản đồ cảnh báo những điểm sạt lở hay không?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, gió bão thường xảy ra ở khu vực biển với khoảng cách 30 - 50 km từ bờ biển vào. Đối với hình thái thiên tai này, chúng ta đã có giải pháp công trình để có thiết kế cho phù hợp. Qua khảo sát, nhà có 3 cứng (sàn cứng, tường cứng, mái cứng) cơ bản là chịu được các gió bão; đổ vỡ chủ yếu là nhà cấp 4, mái tôn, cổng chào, mái kính...

Về lũ lụt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Thực tế đã xây dựng được trên 3.200 nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ, vừa rồi phát huy tốt. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để nhân rộng, phát triển thêm mô hình này. Đây cũng là một giải pháp khả thi thực hiện được, nhưng cần có nguồn lực.

Đối với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định “không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được”. Theo ông, đối với việc xây mới, giải pháp quan trọng là lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

“Hiện nay, chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000, xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay.

Còn đối với những công trình đã xây dựng, ông cho rằng, một là rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác; hai là cần có hướng dẫn. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, có hướng dẫn cụ thể để người dân có thể nhận được cảnh báo.

“Đối với lũ quét, sạt lở đất, người dân nên nhận được những chỉ dẫn rất đơn giản về vấn đề địa chất, trung văn… trong bán kính khoảng 500 m. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ khác tiến hành việc này”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Nới lỏng điều kiện gói cho vay 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời báo chí về việc doanh nghiệp tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Nghị quyết 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 32/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã bổ sung đối tượng được hỗ trợ là giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non đến trung học phổ thông dân lập, tư thục… Các quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, đó là giảm điều kiện về doanh thu, khả năng tài chính, chỉ cần giảm từ 20% là đủ điều kiện; nới đường biên về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

Ngày 19/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết thì ngày 20/10, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có văn bản hướng dẫn đến tất cả các ngân hàng địa phương triển khai việc cho vay. Ngày 23/10, Ngân hàng này đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến đến tất cả chi nhánh, các đại diện quận, huyện, xã về gói cho vay này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn hướng dẫn về tạm ngừng đóng bảo hiểm hưu trí cho doanh nghiệp, đề nghị các địa phương triển khai Nghị quyết 154 cũng như Quyết định 32. Các doanh nghiệp hiện đang làm thủ tục.

“Điều kiện bây giờ cũng dễ hơn. Trước kia yêu cầu doanh nghiệp phải lấy giấy xác nhận nhưng giờ chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tức là tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay, nên thời gian cho vay rất nhanh. Tôi tin trong tuần tới việc cho vay sẽ được tiến hành”, ông Lê Văn Thanh thông tin.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Họp báo Chính phủ tháng 10: Giải đáp các vấn đề nợ xấu, giá nhà ở, đầu tư công
Họp báo Chính phủ tháng 10: Giải đáp các vấn đề nợ xấu, giá nhà ở, đầu tư công

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, tổ chức tại Hà Nội nhiều vấn đề về nợ xấu, giá nhà ở còn cao, khả năng giải ngân vốn đầu tư công đã được báo giới đề cập và được đại diện các bộ giải đáp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN