Kiến nghị xem xét cơ sở pháp lý khi chuyển nhượng thu phí dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, chiều 6/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa họp tổ thảo luận về nội dung Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và các nội dung liên quan khác.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương và Bến Tre thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại buổi thảo luận, các đại biểu tán thành việc Quốc hội đưa nội dung trên vào kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV; đánh giá, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.

Đại biểu Lê Hữu Trí, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa khóa XV nêu ý kiến, việc đầu tư dự án này thực sự cần thiết để đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia; đảm bảo cho việc liên kết vùng, liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, vận tải lưu thông hàng hóa, phát triển hình thành các khu đô thị mới, có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương, đất nước; đặc biệt là việc tạo ra các yếu tố mới.

"Đối với Khánh Hòa, việc hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh logistics của tỉnh và cả khu vực; giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa (Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh); trong đó có các cảng biển, sân bay quốc tế với các tỉnh lân cận, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo sự thông suốt, liền mạch của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, thúc đẩy phát triển triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và khu vực", đại biểu Lê Hữu Trí chia sẻ.

Thảo luận về việc thi công làn xe trong dự án theo nội dung tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội có 2 phương án. Phương án đầu tiên là đầu tư 4 làn xe, phương án thứ 2 đầu tư 6 làn xe bao gồm 2 làn dừng khẩn cấp. Các đại biểu Khánh Hòa đề xuất, trong giai đoạn này chỉ đầu tư thi công 4 làn xe, nhưng xác định giải phóng mặt bằng cho 6 làn xe, bởi xét về nguồn vốn, đầu tư 4 làn xe là phù hợp về chi phí quản lý nhưng công tác giải phóng mặt bằng cần thực hiện một lần để thuận tiện cho việc thiết lập chỉ giới đường. Trong điều kiện giải phóng mặt bằng 6 làn xe, diện tích không xây dựng nên để ở giữa phát triển cây xanh, dễ quản lý.

Đại biểu Lê Hữu Trí khi thảo luận về công nghệ xây dựng Dự án, đề xuất: “Chúng ta đi sau, tiệm cận với các công nghệ hiện đại của thế giới. Do đó, khi các đơn vị tư vấn thực hiện cần áp dụng các phương pháp tiên tiến trong quá trình thi công, đặc biệt trong xây dựng cầu, giảm tối đa ảnh hưởng đến người dân, môi trường”.

Trong phương án giải tỏa mặt bằng, ông Lê Xuân Thân, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khóa IX, XIV tại phiên thảo luận tổ cũng đưa ra các vấn đề về các điều khoản luật không hợp lý trong Nghị quyết và đề xuất sửa đổi. Trọng tâm là các điều khoản pháp luật liên quan đến việc chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Các đại biểu khác cũng kiến nghị nên hạn chế con đường qua các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chỉ còn 4 năm triển khai. Nếu các chỉ đạo, thủ tục điều hành ở trên không quyết liệt, đền bù không thỏa đáng thì dự án rất khó hoàn thành đúng tiến độ; nhất là chủ trương, chính sách giải quyết các trường hợp đền bù giải phóng mặt bằng khi dự án đi qua đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bởi các địa phương hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trong khi đó, thảo luận về nguyên vật liệu thực hiện dự án, đại biểu đoàn Khánh Hòa đề nghị các cấp bộ, ngành, đơn vị, địa phương có dự án đi qua được chuẩn bị trước. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị cho rằng, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là tình trạng thiếu nguyên vật liệu và giá cao nên việc hoàn thành, đúng tiến độ là rất khó khăn. Ông Hà Quốc Trị cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ khi đưa vào thi công, đảm bảo đúng tiến độ.

Thảo luận về nội dung Dự án toàn tuyến có 12 dự án thành phần, được đề nghị thực hiện theo hình thức đối tác công-tư, sau khi dự án hoàn thành chuyển nhượng thu phí, các đại biểu tỉnh Khánh Hòa tán thành và nêu quan điểm, việc phân chia về dự án thành 12 dự án thành phần, trong đó có đoạn dài 88km, có đoạn ngắn 36km chưa có cơ sở pháp lý. Do đó, Quốc hội cần làm rõ việc thu phí về sau.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng nêu ý kiến, cần tăng cường giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương có dự án đi qua cũng như vai trò thanh, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong từng khâu nhằm bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh của địa phương.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, địa phương có 2 dự án thành phần trong công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hiện đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã bàn giao mặt bằng được 2.339/2.361 trường hợp, đạt 99%; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã bàn giao mặt bằng được 97/97 trường hợp, đạt 100%. Công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cũng đang được triển khai, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ, các vướng mắc phát sinh đang được các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết.

Hiện tỉnh còn thiếu khoảng 3,1 triệu m3 nguồn vật liệu san lấp khi thi công tuyến đường. Để đảm bảo tiến độ thi công cho đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong quá trình chờ cấp phép khai thác khoáng sản, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép chủ trương cải tạo một số đồi đất nằm ngay cạnh tuyến cao tốc đi qua để tạo cảnh quan môi trường, kết hợp với thu hồi đất phục vụ thi công đoạn cao tốc nêu trên.

Phan Sáu (TTXVN)
Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam
Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam

Chiều 6/1, Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tại tổ về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đã bày tỏ thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội; cho rằng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương sớm thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN