Ký ức của người lính tham gia giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot

Những ngày này cách đây 40 năm trước, với sự nghiệp quốc tế cao cả, những người lính Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến vĩ đại giải phóng dân tộc, họ lại lên đường đi giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Nhìn lại cuộc chiến, ai cũng bồi hồi xúc động, những kỷ niệm của thời quân ngũ lại ùa về như mới diễn ra ngày hôm qua.

Chú thích ảnh
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Gác bút nghiên lên đường ra trận

Mùa hè năm 1978, trước phong trào phát động rầm rộ tình nguyện lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam, cậu học trò Nguyễn Hoàng Sơn khi đó đang học lớp 11, Trường Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tình nguyện nhập ngũ.  

Ngày 17/9/1978, khi đó Nguyễn Hoàng Sơn vừa tròn 17 tuổi, anh vào "mùa huấn luyện" chưa đầy 40 ngày thì sáng 25/10/1978 nhận lệnh lên xe biên chế về Sư đoàn 5, Quân khu 7.

Trước việc Pol Pot đánh chiếm sát biên giới Tây Nam, chủ trương của ta là phải đánh bật chúng khỏi lãnh thổ Việt Nam và đẩy lùi quân Khmer Đỏ vào sâu trên đất bạn nên Sư đoàn 5 được lệnh tiến công, sau đó trấn giữ thị trấn Snoul cách cửa khẩu Hoa Lư tỉnh Sông Bé (cũ) 30km.

Chú thích ảnh
Cửa ngõ vào thị xã Kratie, thị xã đầu tiên của Campuchia được Sư đoàn 5, Quân khu 7 giải phóng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, chiều 25/10/1978 khi đơn vị vừa cắm chốt cũng là lúc ông chứng kiến thanh niên xung phong cáng thương binh, tử sĩ từ tuyến trên về. Ông Hoàng Sơn kể lại: "Tôi cùng 9 anh em khác được biên chế về Đại đội 18 hỏa lực súng 12.8 li của Trung đoàn 16, Sư đoàn 5. Chiều 28/10/1978, tôi cùng các chiến sĩ mới được chọn cùng khẩu đội lên chốt 142 chiến đấu. Đây là chốt ác liệt nhất lúc bấy giờ ở Snoul".

Theo ông Sơn, bên ta cắm 1 tiểu đoàn chốt giữ nhưng bọn Pol Pot luôn có từ 4 - 5 tiểu đoàn đánh úp. 10 ngày trực chốt ở đây được ông Sơn ví “như địa ngục” vì ta và địch chỉ cách nhau 100 - 150m. Về đêm mỗi hầm trú ẩn chỉ 2 người thay nhau gác, còn ban ngày thì bị địch đánh liên tục, chỉ cần nhô đầu lên khỏi hầm là dễ bị chúng bắn tỉa.

Có ngày toàn chốt bị pháo 105 li và cối 120 li của địch bắn 3 - 4 giờ liên tục, có lúc đơn vị ông hy sinh quá nửa. “Tôi nghĩ chắc khó mà qua khỏi những trận pháo ác liệt của địch, nhưng may có các đơn vị của ta đánh giải vây mà tôi đã sống sót. 10 ngày ở hầm, khi được rút ra quần áo trên người toàn một màu đất đỏ. Chỉ còn hàm răng là trắng”, ông Nguyễn Hoàng Sơn kể lại.

Sau khi được thay ra, đơn vị được củng cố, ngày 15/11/1978 cả Sư đoàn 5 vào chiến dịch giải phóng vùng Snoul do Hensomrinh thành lập chính quyền. Chính ở Snoul cũng là nơi thành lập nhà nước Campuchia ngày 3/12/1978.  

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hoàng Sơn cõng bạn mất 2 chân do đạp mìn thăm lại chiến trường xưa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)  

Tiếp đến, tối 23/12/1978, toàn Sư đoàn tiếp tục đánh chiếm các tỉnh khác tiến tới giải phóng Campuchia, đơn vị ông Nguyễn Hoàng Sơn được phân công luồn rừng thọc sâu phục kích sau lưng địch.

“Ngày 26/12/1978 khẩu đội của tôi làm nhiệm vụ bảo vệ cầu sông Tê trên Lộ 7, máy bay T28 của địch thả bom phá cầu nhưng không trúng mà trúng ngay đội hình bộ đội ta đang dừng chân làm 64 người thương vong; trong đó có Phó Chính ủy Trung đoàn. Đến ngày 30/12/1978, Sư đoàn 5 đã giải phóng thêm thị xã Kratie (đây là thị xã đầu tiên của Campuchia được giải phóng). Chiều ngày 7/1/1979 khi đang chờ phà vượt sông Mekong thì chúng tôi biết tin giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Binh lính reo hò, nghĩ rằng sắp được về nước...”, ông Sơn kể lại.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, sáng sớm hôm sau đơn vị ông không vượt sông nữa mà lên xe quay về Lộ 7 hướng về Việt Nam. Cả đoàn vui như tết. Khi về đến Snoul nhưng xe không đi về hướng Việt Nam mà rẽ phải qua Mimot. Khi trên xe còn đang phấn khích thì có tiếng nổ lớn, một chiếc xe trong đoàn bị trúng mìn tăng, cả Trung đội hy sinh gần hết. Đơn vị của ông lại tiếp tục hành quân lên tỉnh Battambang sát biên giới Thái Lan, và phải đến năm 1980 ông Sơn mới được về nước đi học.

Truy quét tàn quân Khmer Đỏ

Ông Lê Thanh Hiếu, nguyên là chiến sỹ Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể lại: Đầu tháng 3/1979 khi hướng Quân đoàn 4 mở chiến dịch giải phóng Amleang, có sự phối thuộc của Sư đoàn 5, Quân khu 7 khi đó. Đây là căn cứ rất quan trọng của Pol Pot, chúng tàng trữ nhiều vũ khí và lương thực phục vụ chiến tranh du kích lâu dài. Pol Pot từng tuyên bố “Nếu mất Phnom Penh 1 chúng sẽ có Phnom Penh 2, tức căn cứ Amleang”, ông Lê Thanh Hiếu kể lại.

Chú thích ảnh
Nhân dân tỉnh Ratanakiri (Đông Bắc Campuchia) đón chào các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam về giải phóng phum, sóc. Ảnh: TTXVN

Khi rút chạy khỏi Phnom Penh, Pol Pot lùa theo cả người dân đi cùng đưa sâu vào trong rừng để sử dụng họ làm nhân lực xây dựng vùng kháng chiến lâu dài. Lúc đó Sư đoàn 9 và Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đánh mũi chủ công chính. Sư đoàn 5 đánh bên phải và Sư đoàn 7 đánh tấn công căn cứ Amleang bên trái trên đường 132 cùng nhiều Lữ đoàn trực thuộc khác.

Ở đây đã diễn ra những trận chiến ác liệt và quân ta hy sinh cũng nhiều. “Lúc đó đơn vị tôi ở vòng ngoài chống sự càn quét của địch. Khu vực bên trái đội hình là Quân đoàn 4. Khi đơn vị tôi đánh trả Khmer Đỏ, gặp người dân Campuchia bị giữ lại trong rừng, họ rất vui mừng khi được bộ đội Việt Nam cứu, họ ùa chạy về phía bộ đội ta cầu cứu. Điều đó chứng tỏ  người dân Campuchia không sợ lính Việt Nam mà sợ chính người của họ. Bộ đội ta chỉ đường cho người dân Campuchia ra khỏi rừng, trở về quê hương làm ăn sính sống”, ông Lê Thanh Hiếu kể lại.

Thừa thắng xông lên, những người lính tình nguyện tiếp tục truy quét tàn quân Khmer Đỏ tới tận biên giới Thái Lan sau khi đã làm chủ căn cứ Amleang. Theo ông Hiếu, người dân bị bọn Khmer Đỏ dồn vào rừng rất nhiều, và đã có hàng ngàn người chết đói dọc đường và bị bỏ lại ở đây trong thời gian tháng 4 và 5/1979.

Theo ông Hiếu, họ là những người dân vô tội rất đáng thương và bị kẹt giữa 2 làn đạn, đó là: Đói và rách. Nhìn những cơ thể sơ xác chỉ còn da bọc xương không còn sức để ngồi được nữa, thật tội nghiệp.

"Gặp bộ đội Việt Nam, họ nhìn chúng tôi với con mắt vô hồn, chìa tay xin ăn cầu cứu. Quân tình nguyện Việt Nam đã dành khẩu phần ăn của mình để cứu đói để họ có thể sống được và đi ra khỏi vùng nguy hiểm", ông Hiếu chậm rãi kể.

Tình đoàn kết hữu nghị

“Tháng 6/1979 khi đơn vị về xây dựng căn cứ tại núi Novia tỉnh Kampong Spu cách Phnom Penh 45km, chúng tôi chứng kiến dịch đau mắt đỏ hành hạ người dân Campuchia. Từ người già tới trẻ nhỏ mắt ai cũng đỏ hoe. Chúng tôi đã lấy lọ Penexinin đang dùng rồi bơm nước cất vào, lấy đó làm thuốc chữa đau mắt đỏ cho người dân Campuchia”, ông Lê Thanh Hiếu cho hay.

Chú thích ảnh
Bộ đội Việt Nam và Campuchia bảo vệ đền Angkor Wat (7/1982). Ảnh: Quang Thành - TTXVN

Theo ông Hiếu, bộ đội ta chỉ cần biết sơ đẳng về y khoa là có thể giúp được người dân khỏi bệnh đau mắt đỏ. Nhân dân Campuchia rất quý bộ đội Việt Nam, sau khi truy quét tàn quân Khmer Đỏ ở Amleang và núi Kim Ry, mỗi khi thu được quần áo, khăn cama hay đồ dùng của lính Pol Pot, bộ đội ta đều mang về cho người dân Campuchia.

Sau này lán trại của bộ đội Việt Nam hư hỏng, cần lá tranh thốt nốt lợp lại mái nhà đều được bà con Campuchia giúp đỡ, họ còn dành cả đường thốt nốt mang cho bộ đội Việt Nam.

Giai đoạn năm 1979 khi dân Campuchia rơi vào tình cảnh đói khổ, bộ đội Việt Nam đã chia bớt khẩu phần gạo của mình cho người dân sở tại.

Sau khi giải phòng, bộ đội Việt Nam đã cùng bà con Campuchia khôi phục ruộng vườn, cày cấy để tự túc lương thực. Khi lúa chín bộ đội ta đã mời chính quyền địa phương tới bàn giao lại ruộng và lúa cho đồng bào Campuchia.

Ngày binh đoàn Cửu Long rút quân về nước, người dân Campuchia đứng dọc 2 bên đường vẫy chào, mang theo trái cây, bánh trái đưa lên xe cho bộ đội ta khiến cho kế hoạch về nước của đoàn xe chậm hơn kế hoạch 2 ngày.

Đó là tình cảm của người dân Campuchia đối với bộ đội Việt Nam, họ luôn trân trọng tình cảm người lính Cụ Hồ đã chiến đấu và hy sinh, giải phóng cho dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.

Viết Tôn/Báo Tin tức
40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ - Bài 3: Hợp tác toàn diện
40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ - Bài 3: Hợp tác toàn diện

Cách đây 40 năm, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, nhân dân Việt Nam vừa bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot với chiến thắng ngày 7/1/1979 theo lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN