Ký ức của những người lính trở về từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Dù đã lùi xa 40 năm, nhưng những mất mát, sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa. Máu và nước mắt của họ đã đổ xuống bảo vệ biên cương, những người may mắn trở về từ cuộc chiến vẫn đau đáu nỗi đau thương ấy bao năm qua.

Chú thích ảnh
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Phiao thăm lại chiến trường xưa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Pháo đài Đồng Đăng đau thương và bi tráng

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Phiao, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn là một trong số ít những chiến sĩ may mắn sống sót sau cuộc chiến “một mất một còn” với quân xâm lược Trung Quốc tại pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) ngày 17/2/1979.

Một ngày cuối tháng 1/2019, Đại tá Nông Văn Phiao cùng các cán bộ, chiến sĩ trẻ BĐBP tỉnh Lạng Sơn - những người đang kế tục sự nghiệp của ông trong sự nghiệp giữ gìn sự bình yên vùng biên cương Tổ quốc đã về thăm lại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có những đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống. Đây cũng là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của ông, ngày đó ông là binh nhất Đại đội 5 Công an vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến đấu 40 năm về trước, những kỉ niệm về ngày định mệnh 17/2/1979 lại ùa về. Hồi ức chiến tranh vẫn in sâu trong tâm trí Đại tá người dân tộc Nùng, Nông Văn Phiao.

Chú thích ảnh
Am thờ tại Pháo đài Đồng Đăng. 

Pháo đài Đồng Đăng là một pháo đài kiên cố có từ thời chống Pháp, gồm 3 tầng, nằm ở vị trí chiến lược trên một ngọn đồi có thể bao quát toàn bộ thị trấn Đồng Đăng và rất gần biên giới với Trung Quốc. Ngày ấy muốn tiến vào đánh chiếm thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn), quân Trung Quốc phải chiếm lĩnh được pháo đài này.

Đại tá Nông Văn Phiao kể lại: "Tôi nhớ rõ hôm đó là ca gác cuối cùng của chiến sĩ Dương Văn Phong. Khoảng 4h30, cậu Phong thấy phía biên giới có nhiều biểu hiện lạ, sau ít phút thì nghe tiếng súng, đạn pháo nổ phía biên giới, Phong liền gọi các đồng chí khác dậy. Đồn trưởng, thiếu tá Hoàng Ý nhìn về phía biên giới, chỉ kịp nói "quân Trung Quốc đánh ta rồi" và cho báo động toàn đơn vị, lệnh cho anh em vào vị trí chiến đấu. Không kịp rửa mặt đánh răng, anh em cầm súng chạy lên pháo đài, vào các vị trí sẵn sàng chiến đấu”.

Cuộc chiến hôm ấy vô cùng khốc liệt khi tương quan lực lượng chênh lệch. Anh em chiến sĩ của ta còn rất trẻ, hầu hết là hạ sĩ, binh nhất, binh nhì. Không nằm ngoài dự kiến, khi quân ta vừa lên vị trí chiến đấu thì bên kia biên giới, quân xâm lược đã câu pháo bắn thẳng vào pháo đài.

5h sáng, pháo từ Trung Quốc đồng loạt bắn dồn dập vào pháo đài Đồng Đăng và những quả đồi bên cạnh, nơi có bộ đội ta đóng quân. 5h15 thì tiếng súng ngừng nổ.

Lúc đó, Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn và Đại đội bộ binh của Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phối hợp triển khai ra ngoài chiến hào để chiến đấu. Đại đội bộ binh phụ trách phía Bắc và phía Đông pháo đài, còn Đại đội 5 phụ trách phía Nam và phía Tây pháo đài.

Khoảng 6h30, quân Trung Quốc vây kín dưới chân pháo đài dùng hỏa lực từ pháo, xe tăng bắn từ dưới chân pháo đài lên. Phía biên giới, pháo binh Trung Quốc tiếp tục nhắm pháo đài Đồng Đăng là mục tiêu số 1 dồn dập bắn phá. Tuy nhiên, chúng tấn công xâm lược đã không lên được pháo đài mà phải lùi xuống chờ đợi đợt sau.

"Quân Trung Quốc đông như kiến cỏ. Tôi quan sát thấy chúng từ bờ ruộng tràn lên, mình ở trên đỉnh cao bắn xuống tiêu diệt hết lớp này lại đến lớp khác. Trong đợt tấn công thứ hai, Đại đội trưởng Đại đội 5, Trần Hà Bắc - người chỉ huy pháo đài đã anh dũng hy sinh, sau đó Trung úy Hoàng Quốc Hội lên thay chỉ huy chiến đấu ngoan cường nhưng cũng hy sinh sau trận chiến. Nhiều chiến sĩ ở phía Tây và phía Nam pháo đài cũng đã ngã xuống bởi đạn pháo của địch...", Đại tá Nông Văn Phiao bùi ngùi nhớ lại giờ khắc đau thương ấy.

Đến 9 giờ sáng, quân Trung Quốc lại xông lên lần thứ ba. Đến trưa, bộ đội ta ở bốn hướng của pháo đài vẫn kiên cường đánh chặn, địch không lên được, phải dạt xuống bờ suối.

Theo ông Nông Văn Phiao, cuộc chiến tiếp tục diễn ra khốc liệt những ngày sau đó. Quân ta hy sinh rất nhiều. Sáng 19/2, quân Trung Quốc lại tràn lên tấn công; vũ khí ít ỏi, quân số còn lại không nhiều. Chiều ngày 21/2, pháo đài bị trúng pháo tan nát, ông Phiao bị sức ép của đạn pháo, ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy nhiều đồng đội quanh mình đã hy sinh.

"Tôi gọi đồng đội nhưng không nghe thấy tiếng ai nữa. Quân Trung Quốc tiến lên pháo đài chặn hết đường ra, bắc loa gọi đầu hàng bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Không ai chịu ra, chúng ném lựu đạn cay xuống hầm. Gió thổi hơi cay vào khiến mọi người ho sặc sụa nhưng anh em quyết tâm không đầu hàng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc", đại tá Nông Văn Phiao xúc động nhớ lại.

Sau đó ông Phiao cùng các đồng đội kiên trì bới đất tìm lối ra, đưa thương binh cùng thoát khỏi pháo đài, tìm đường về đơn vị, tiếp tục chiến đấu.

Không thể khuất phục được những người lính Việt Nam, đêm 21/2, quân Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập pháo đài. Nhiều thương binh và hàng trăm người dân trú ẩn dưới hầm đã thiệt mạng.

Sau 5 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, cầm cự, pháo đài Đồng Đăng đã bị quân Trung Quốc chiếm giữ.

Anh hùng Nông Văn Phiao sinh năm 1957, dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Khi cuộc chiến 40 năm trước nổ ra, ông là binh nhất Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Lạng Sơn. Trong một tuần liên tục chiến đấu, ông đã diệt 70 tên địch. Sau này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và Huy chương "Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc". Ngày 19/12/1979, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi người lính kỹ thuật cầm súng chiến đấu

Cho đến bây giờ, kỷ niệm về những ngày tháng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong trí nhớ Thượng tá Bạch Đăng Tân (hiện sinh sống tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội).

Chú thích ảnh
Chiếc xe tăng của giặc đã bị quân ta đánh gục ngay loạt đạn đầu tiên tại bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng. Ảnh: Trần Mạnh Thường/TTXVN

Đăng ký nhập ngũ từ tháng 2/1975, đến đầu năm 1979 ông Tân bước vào trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Những ngày tháng chiến đấu ác liệt, chứng kiến sự hy sinh của quân và dân ta khiến ông nhói đau mỗi khi nhắc lại.

“Sau khi tham gia quân ngũ, được huấn luyện 2 tháng để chuẩn bị vào chiến dịch giải phóng miền Nam thì nghe tin miền Nam giải phóng nên chúng tôi được phân công bổ sung cho các đơn vị. Sau đó tôi được đi học tại Học viện Kỹ thuật quân sự 4 năm. Đầu năm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa công nghệ chế tạo vũ khí đạn, Học viện Kỹ thuật quân sự, tôi được biên chế về Quân khu 1 lên Cao Bằng đúng lúc bắt đầu diễn ra cuộc chiến ở biên giới phía Bắc”, Thượng tá Bạch Đăng Tân nhớ lại.

Ông Tân kể lại: “Tháng 2/1979, tôi được bổ sung vào đơn vị mới và lên biên giới. Thời đó từ Thái Nguyên, Bắc Kạn lên đến Cao Bằng phải vượt qua nhiều đèo núi vô cùng vất vả. Đơn vị tôi đóng quân cách thị xã Cao Bằng khoảng 8km. Khi chúng tôi lên tới nơi, đã thấy pháo, bom đạn dội ầm ầm, tất cả ngỡ ngàng và đau xót khi thấy thị xã Cao Bằng tan nát”.

Ông Tân vẫn nhớ đêm đầu tiên mới đến Cao Bằng, đang im ắng bỗng quân Trung Quốc đổ bộ vào thị xã, bất ngờ tới mức cả người dân cũng nghĩ đó là bộ đội ta hành quân. “Khi quân Trung Quốc tấn công vào, dân bỏ chạy loạn, chúng tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu. Một bầu không khí hỗn loạn bao trùm, tất cả đều tham gia chiến đấu. Nhiệm vụ chính của tôi khi ấy là phụ trách kỹ thuật súng đạn cho Quân đoàn”.

Lúc đó địch rất mạnh với lực lượng xe tăng, pháo, súng đạn nhiều nhưng chúng lại có điểm yếu khi gặp địa hình hiểm trở như Cao Bằng, đó là đường độc đạo, gập ghềnh khó đi, nhiều vực sâu, các phương tiện khó có thể tránh nhau. Vì vậy chỉ cần ta tiêu diệt một chiếc xe tăng là chúng hết đường rút lui.

“Trong tình thế lực lượng ta mỏng lại thiếu vũ khí, phương án tác chiến của chúng tôi là nhằm các xe téc có chở nước, xăng, dầu để bắn cháy và đánh chặn các đầu khóa chân địch. Từ đó địch hết nguồn tiếp tế. Với cách đánh đó, quân ta làm chủ tiến công từ thị xã Cao Bằng đến các huyện biên giới Quảng Hòa, Trùng Khánh… Địch tan tác do hết viện trợ, không có đường lui”, Thượng tá Bạch Đăng Tân nhớ lại.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tân kể lại: Khi quân Trung Quốc tiến sâu vào thị xã Cao Bằng buộc phải qua cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Đây là cây cầu trên tuyến huyết mạch, nếu chúng qua được đây thì có thể dễ dàng tràn vào Cao Bằng và sang Bắc Kạn. Trong tình thế nguy cấp đó, để chặn đường tiến quân của địch, bộ đội ta đã đánh sập cầu, cắt đứt đường đi của địch. 

Chú thích ảnh
Thượng tá Bạch Đăng Tân với nhiều huân, huy chương kháng chiến.

“Sau những trận chiến đấu ác liệt mà cao điểm là từ tháng 2 - 4/1979, quân và dân ta hy sinh rất nhiều, những ai còn sống đã phải rút lui về hậu cứ. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng có những đơn vị hy sinh gần hết; anh hùng đấy nhưng cũng đau thương lắm”, Thượng tá Bạch Đăng Tân xót xa kể lại.

Những ngày chiến đấu ngủ rừng buốt lạnh, vắt cắn quanh người giữa rừng thiêng nước độc, gian khổ là vậy nhưng ông Tân vẫn còn may mắn trở về, được nhìn thấy vùng biên giới hồi sinh sau khi bị quân Trung Quốc tàn phá.

“Sau khi quân Trung Quốc rút khỏi nước ta, tôi tiếp tục ở lại Cao Bằng làm nhiệm vụ bảo dưỡng thiết bị quân sự. Khi đó, quân đội ta thành lập các tuyến phòng thủ, củng cố biên giới lâu dài, chúng tôi bắt tay ngay vào việc củng cố đơn vị, chung sức giúp dân xây dựng nhà cửa, sản xuất, cải tạo hầm, hào... trên tinh thần luôn cảnh giác”, ông Tân kể lại.

Hoàn thành nhiệm vụ, tháng 2/1981 ông Tân được cấp trên điều về công tác tại Bộ Quốc phòng. Cả đời phục vụ quân đội với nhiều chiến công nhưng những ngày tháng gắn bó với Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khốc liệt đầu năm 1979 vẫn là những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời người lính.

Tạ Nguyên - Nam Hoàng/Báo Tin tức
Hồi ức tháng Hai nơi biên cương phía Bắc - Bài cuối: Điểm tựa tin cậy của nhân dân biên giới
Hồi ức tháng Hai nơi biên cương phía Bắc - Bài cuối: Điểm tựa tin cậy của nhân dân biên giới

Khép lại quá khứ đau thương, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai ngày nay đang ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển quê hương, các đơn vị quân đội cũng làm tốt công tác đối ngoại biên phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN