Lấy phiếu tín nhiệm gắn chặt với việc nêu gương trong Đảng

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim nhận định về mối liên hệ của đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại Quốc hội với việc nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong Đảng.

Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ. Đề cao trách nhiệm nêu gương cũng là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, uy tín của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh.

Chú thích ảnh
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương).

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn rất có ý nghĩa trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đạt yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ mà Nghị quyết TƯ7 khóa XII đã đề ra là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược phải được đánh giá và bồi dưỡng, đảm bảo tiêu chí nhất định để thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.

"Thông qua lấy phiếu tín nhiệm để mỗi người soi xét bản thân mình, vị trí công tác của mình đã đảm bảo nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra chưa, nhất là đòi hỏi từ cuộc sống. Người cán bộ đã đem hết sự nhiệt tình và khả năng của mình để làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân chưa. Qua đây mới thấy việc bỏ phiếu tín nhiệm đã phản ánh sự đánh giá đúng đắn và khách quan của các đại biểu Quốc hội", đại biểu Kim nhận định.

Thực tế, rất nhiều chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cũng là cán bộ cấp cao của Đảng, thuộc phạm vi nêu gương mà quy định của TƯ hướng tới.

Do đó, theo đại biểu Kim: "Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, người cán bộ có thể vươn lên làm tốt hơn, có điểm nào yếu mà Quốc hội chỉ ra thì anh phải khắc phục và làm tốt trong nhiệm kỳ này. Nghị quyết TƯ đã nói, sẽ thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ. Đó chính là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, nêu tấm gương hoàn thành nhiệm vụ, đạo đức, lối sống và tinh thần phục vụ nhân dân".

Ở đâu cán bộ cũng phải có tiêu chí để phấn đấu, phải nhìn thấy mặt tích cực để phát huy và nhìn thấy hạn chế để tự khắc phục. Nếu cứ làm mà không ai đánh giá thì sẽ thiếu tự giác, ung dung, sinh ra lạm dụng quyền hạn của mình. Người có quyền hạn thì luôn hướng tới nguy cơ lạm dụng. Giám sát là sự răn đe cần thiết với cán bộ.

Lấy phiếu tín nhiệm giúp hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng như thế nào?

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, từ kết quả tại Quốc hội cần liên thông với công tác kiểm tra bên Đảng và nhận xét đánh giá của hệ thống tổ chức cán bộ. Qua đó, chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ sau.

"Tính chất nêu gương thì lần nào cũng thế nhưng quan trọng là có đi vào nhận thức của cán bộ hay không. Nếu thâm nhập vào đội ngũ cán bộ nghiêm túc thì việc đó được thực hiện có kết quả. Còn học nghị quyết mà không nhập tâm, quyết liệt thì không mang lại kết quả. Cho nên người đứng đầu phải nêu gương trước hết, sau đó mọi người làm theo", đại biểu nhấn mạnh.

Ông Vũ Trọng Kim kết luận: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người đi đầu phải soi đường chỉ lối, là tấm gương mẫu mực.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN