Loại bỏ lao động cưỡng bức mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động

Ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Chú thích ảnh
 Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức với tỉ lệ 95,24% số đại biểu tán thành. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, pháp lý; phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Ông Trương Hồng Sơn - Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Công ước 105 loại bỏ lao động cưỡng bức sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động; thúc đẩy mối quan hệ hài hòa, tiến bộ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, hàng hóa được bảo vệ cạnh tranh lành mạnh tạo thuận lợi cho tiến trình triển khai hiệp định thương mại tự do; người lao động được làm việc trong môi trường lao động an toàn, có thêm hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng theo luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

“Có thể nói, việc khuyến khích doanh nghiệp không thực hiện các hành vi cưỡng bức lao động sẽ góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Môi trường này còn là động lực khuyến khích người lao động tính tích cực, sáng tạo, thúc đẩy tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển chung của xã hội”, ông Sơn chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc quan trọng nhất sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế là triển khai đến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, cần hướng dẫn rõ, chính xác, cho từng đối tượng áp dụng nhằm góp phần phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước.

Theo ông An, doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cần phải tìm hiểu, thông báo, giải thích rõ ràng các tiêu chuẩn, nội quy, quy định về lao động nhằm tránh tình trạng lao động cưỡng bức trong lao động. Trong quá trình lao động, cần trang bị cho người lao động kiến thức về an toàn; phổ biến về tình trạng lao động cưỡng bức. Ngược lại, người lao động cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức nhất định để tự bảo vệ bản thân, tránh tình trạng lao động cưỡng bức.

Thanh Vũ (TTXVN)
ILO hoanh nghênh bước tiến lớn nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam
ILO hoanh nghênh bước tiến lớn nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam

Với 94,82% đại biểu tán thành, sáng 8/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN