Năm 2019: Tập trung kiểm toán các dự án lớn, gây thất thoát lãng phí

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019.

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

Chú thích ảnh
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao kết quả Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trong năm 2018, đồng thời cho rằng, Kiểm toán Nhà nước đã bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của kiểm toán, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc quản lý hiệu quả ngân sách, tài sản Nhà nước, thực hành tiết kiệm… Số kiến nghị về xử lý tài chính năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước là cao nhất từ trước đến nay.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2019, ngành kiểm toán sẽ tập trung chủ yếu vào chất lượng với mục đích tăng thu, giảm chi. Trong năm 2019, ngành kiểm toán sẽ chú trọng vào việc kiểm toán một số công trình trọng điểm như: Metro Bến Thành - Suối Tiên, Cát Linh-Hà Đông, dự án chống ngập 10.000 tỷ...; thực hiện một số chuyên đề lớn như hoàn thuế giá trị gia tăng và các chuyên đề công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, chuyên đề về Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)...

Chú thích ảnh
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, năm 2019 ngành kiểm toán sẽ tập trung nhiều vào những dự án trọng tâm trọng điểm, do vậy số lượng các cuộc kiểm toán sẽ giảm đi so với năm ngoái khoảng 20% (190 cuộc).

“Chúng tôi khẳng định, hoạt động kiểm toán năm nay sẽ đi vào chiều sâu và tập trung vào các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề gây nhiều thất thoát, lãng phí, nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý sử dụng tài chính công”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trong năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành 100% cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Đến ngày 31/12/2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 44.400 tỷ đồng, tăng 18,39% so với năm 2017.

Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.

Chú thích ảnh
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đặc biệt, trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, từng bước khẳng định sự phát triển lớn mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong cộng đồng các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới.

Đối với Kiểm toán Nhà nước, năm 2019 có ý nghĩa quyết định trong đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, năm đầu tiên Kiểm toán Nhà nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập ngành. Đây cũng là năm thực hiện kiểm toán niên độ ngân sách năm 2018 với nhiều thay đổi trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách về thuế và đầu tư.

Do đó, năm 2019 ngành kiểm toán đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Cụ thể hóa các nghị quyết chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020; đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021, nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế; gia tăng hiệu lực quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước.

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Độc lập các hạng của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ của Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân của Kiểm toán Nhà nước vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm toán.

Đỗ Bình (TTXVN)
Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt vai trò dẫn dắt tổ chức ASOSAI phát triển
Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt vai trò dẫn dắt tổ chức ASOSAI phát triển

Ngày 7/12, thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký, ban hành Quyết định số 2277/QĐ-KTNN về Chương trình khung thực hiện vai trò Chủ tịch các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu  Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN