Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng

Sáng 15/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2019.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa  Bình ghi nhận những thành tích đạt được trong năm 2018 của ngành Tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng. Những kết quả này đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

“Báo cáo công tác Thi hành án năm 2018 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã được các Đại biểu Quốc hội ghi nhận”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh. 

Bên cạnh biểu dương những kết quả, tiến bộ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý: Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong thời gian qua còn một số sai sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều, với 17 trường hợp. Số vụ việc và số tiền chuyển kỳ sau tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều, một số việc tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân một phần do thể chế vẫn còn vướng mắc, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành trên thực tiễn. Riêng đối với việc thi hành án hành chính, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, nhưng kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các Cục Thi hành án dân sự có thành tích xuất sắc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chỉ rõ bối cảnh đất nước năm 2019, trong đó nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị: Bộ Tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự cần bám sát Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự, nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thi hành án trong năm 2019.

Trong đó, chú ý một số nội dung trọng tâm như tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thi hành án dân sự để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu; nghiên cứu giải quyết việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm; ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức thi hành án dân sự, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự tập trung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Trong đó, đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; có cơ chế thẩm định, định giá đối với các tài sản kê biên trong quá trình tố tụng để có căn cứ đảm bảo tính khả thi trước khi phán quyết phần dân sự (nhất là hình phạt tiền); tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

Năm 2018, Tổng cục thi hành án dân sự thụ lý gần 928.000 việc, tăng 5,04% so với năm 2017 với tổng tiền thụ lý trên 196 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã thi hành xong gần 572.000 việc, đạt tỷ lệ 80,30 %, tương đương với trên 34.520 tỷ đồng. Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt nhiều kết quả tích cực qua thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Cần chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng
Cần chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Ngày 7/9, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc xét xử các vụ án tham nhũng mà dư luận quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN