Những người chắn 'sóng' COVID-19 ở Hà Nội - Bài cuối: Cùng chung sức, đồng lòng

Với thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch của cả nước. Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm của chính quyền thành phố Hà Nội.

Hà Nội cũng là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, trong đó có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở. Để có được những kết quả đó có sự chung sức, đồng lòng của người dân cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế quận Đống Đa lấy mẫu cho các trường hợp liên quan đến ca dương tính tại ngõ Lệnh Cư, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan trưa 26/7/2021. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Những chiến sỹ tuyến đầu

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, y tế cơ sở là lực lượng đầu tiên tiếp xúc với nguồn lây, mặc dù khối lượng công việc lớn và vất vả, nhưng một phần nhờ sự vững vàng của tuyến phòng thủ này nên đến đợt dịch thứ 4, Hà Nội vẫn kiểm soát tốt.

Chia sẻ về những ngày chống dịch, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Hải Yến cho biết, người dân giờ đã hiểu hơn về dịch COVID-19 để chủ động phòng, tránh nhưng khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm lại nhiều hơn gấp bội phần do chủng mới Delta lây lan nhanh.

Vừa phải truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho F1, F2, F3, các nhân viên y tế còn phải xét nghiệm cho các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng và tổ chức tiêm vaccine cho người dân. “Tất cả cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều phải tham gia chống dịch, có người cả tuần không về nhà, có khi phải xử lý ổ dịch đến quá nửa đêm mới về đến Trung tâm. Nhưng yêu cầu chống dịch là trên hết nên không ai phàn nàn”, chị Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ngày 28/7/2021, huyện Mê Linh tổ chức tiêm vaccine cho công nhân lao động tại các công ty thuộc Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Lần xử lý ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện E đêm 19/8/2020 đối với các nhân viên của Trung tâm là một ca đáng nhớ bởi phải thức xuyên đêm hoàn thành hơn 100 mẫu xét nghiệm để kịp chuyển về Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Trong khi buổi sáng và chiều hôm đó họ đã vận hành hết công suất để lấy mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhân tại Bệnh viện 198 và gần 300 người từ Đà Nẵng trở về.

Nhận được thông báo có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện E, chỉ 15 phút sau, 3 đội phản ứng nhanh của Trung tâm đã có mặt tại Bệnh viện tiến hành phun khử khuẩn; khoanh vùng, xác định F1, F2; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho F1 và các bệnh nhân…Mọi người rời bệnh viện khi đã 2 giờ đêm.

Còn bác sỹ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS-Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho hay, COVID-19 lây qua đường tiếp xúc nên việc cách ly nguồn lây là quan trọng nhất. 70 - 80% số bệnh nhân không có triệu chứng, do đó cần phải phát hiện, cách ly sớm để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, việc lấy mẫy xét nghiệm diện rộng, ưu tiên những đối tượng nguy cơ cao và người từ vùng dịch về cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát dịch bệnh.

Sát cánh chống dịch

Sát cánh bên các nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua là các lực lượng Công an, Quân đội, chính quyền địa phương.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra người tham gia giao thông tại chốt kiểm soát trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai (ảnh chụp sáng 29/7). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch COVID-19 khu vực khu chung cư Ecohome 2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, nơi đang bị phong tỏa, Trung tá Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an phường Đông Ngạc chia sẻ, lực lượng Công an phường thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhưng khi địa bàn xuất hiện ca F0, ngay lập tức các chiến sỹ có mặt phối hợp với lực lượng y tế, dân quân khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2; ngày đêm bám chốt kiểm soát dịch, chốt chặn ở khu vực phong tỏa tại cổng của khu chung cư; đảm bảo an ninh trật tự, chia sẻ khó khăn, vất vả của người dân trong khu vực có dịch.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc Nguyễn Văn An bày tỏ, trong lúc này, tinh thần chia sẻ, động viên chính là nguồn lực để các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch của phường có thêm sức mạnh đương đầu với thách thức, là sự khích lệ cần thiết để người dân các khu vực có dịch như Chung cư Ecohome1, Ecohome2...vững tinh thần, ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến chống COVID-19 không thể không nói đến những “chiến sỹ áo trắng” bất chấp sự an toàn của bản thân, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây trong các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đó còn là các cán bộ, chiến sỹ, những người làm nhiệm vụ trong các khu cách ly tập trung, ngày đêm quản lý, chăm sóc những trường hợp F1, trong đó có nhiều F1 của các chùm ca bệnh siêu lây nhiễm.

 Ý thức là yếu tố quyết định

Là nhân viên y tế trẻ, mới lập gia đình nhưng trong những ngày dịch COVID-19 "tấn công" địa bàn quận Đống Đa, chị Nguyễn Thị Thanh Lam, chuyên trách dịch tễ Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với anh, chị em trong Trung tâm ít có thời gian dành cho gia đình do phải xử lý ổ dịch nguy hiểm tại Nhà thuốc Đức Tâm số 95A Láng Hạ, quận Đống Đa.

“Công việc điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca F0 gặp khó khăn do nhiều người dân không chịu khai báo, đến khi có triệu chứng rồi mới khai báo, lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, bàn tán, thậm chí cản trở không cho nhân viên y tế vào nhà lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch”, chị Nguyễn Thị Thanh Lam chia sẻ.

Chú thích ảnh
Những người đến Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6 đến 25/7 chờ lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Ngoài nguy cơ giống như người dân trong cộng đồng, cán bộ, nhân viên y tế còn là những người tiếp cận trực tiếp với nguồn lây nhiễm. Trong khi mọi người giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc thì nhân viên y tế phải tiếp xúc gần, thậm chí đứng sát để lấy mẫu dịch đường hô hấp. Thực tế cho thấy tỷ lệ lây nhiễm của cán bộ y tế luôn cao hơn trong cộng đồng và đã có lây nhiễm chéo ở cán bộ y tế. Bên cạnh đó, họ còn phải khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt khi mặc trang phục chống dịch kín mít, nóng bức.

“Người dân đôi lúc còn thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh hoặc phản ứng thái quá, kỳ thị người có yếu tố dịch tễ, kỳ thị luôn cả cán bộ y tế, chưa hợp tác khi được yêu cầu phải cách ly y tế hoặc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, thậm chí có người dân còn khai báo không trung thực để trốn tránh cách ly y tế, để được làm xét nghiệm hoặc không muốn làm xét nghiệm,…Khi đó chúng tôi lại như một nhà tâm lý thông cảm, chia sẻ, giải thích, thuyết phục để dân hiểu, dân tin, thực hiện theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành y tế, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Hải Yến tâm sự.

Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, thành phố Hà Nội đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn kể từ 6 giờ ngày 24/7/2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. “Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không hiệu quả”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân đến tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người bên trong khu cách ly tại chung cư Ecohome, chiều 23/7/2021. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Để cuộc chiến chống COVID-19 thành công, Bí thư Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt toàn thành phố phải nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, trọng tâm là siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội, bác sỹ làm nhiệm vụ tuyến đầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng…tiếp tục phát huy thành tích, kinh nghiệm, nỗ lực hoàn thành công việc được giao, tạo thành lá chắn vững chắc cho thành phố.

Tuyết Mai - Nguyễn Thắng (TTXVN)
Những người chắn 'sóng' COVID-19 ở Hà Nội - Bài 1: 'Đê chắn' trên tuyến đầu
Những người chắn 'sóng' COVID-19 ở Hà Nội - Bài 1: 'Đê chắn' trên tuyến đầu

Dịch COVID-19 tấn công 4 đợt liên tiếp vào địa bàn Thủ đô, gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội; học sinh phải tạm nghỉ học; bệnh viện bị phong tỏa; doanh nghiệp một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động; hoạt động ở một số cơ quan, công sở bị gián đoạn; siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn… phải tạm đóng cửa, thu ngân sách trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN